Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

ANH ĐẾN THĂM EM ĐÊM NOEL

Anh đến thăm em đêm Noel
Ngoài kia phố thị đã lên đèn
Trăng đầy khẽ vén mây, nhìn xuống
Gọi gió cùng hòa khúc nhạc êm
Anh đến vói em đêm Noel
Oà vui hạnh phúc , đẫm môi mềm
Trên cao,Chúa đã ban ân sủng
Quấn quyện đôi mình , một mối duyên
Anh đến vói em đêm noel
………….
Bần thần tiếc nuối giấc du miên
Trăng gầy, lặng lẽ sau vòm lá
Gió cũng không màng trỗi nhạc êm.
Lạy Chúa, con là người ngoại đạo
Nhung tin có Chúa ỏ noi này
Đêm nay có kẻ xin ơn Thánh
Được ở bên người, đối ẩm say

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

MÙA ĐÔNG SAIGON

Anh biết chăng mùa Đông ,
Dìu hạt mưa xuống phố.
Chú chim sâu trăn trở
Giấu mỏ, chẳng thèm bay.

Mùa Đông ở nơi đây
Không tuyết rơi trắng xóa
Gió nhẹ về, rất lạ,
Chỉ đủ làm so vai

Mùa Đông đến sáng nay
Rồi sẽ đi rất vội
Như lời yêu - định nói
Ngập ngừng, rồi lãng phai

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

BÌNH YÊN GIỮA PHỐ

Bình Yên Giữa Phố…
Đó là những buổi sáng trà đàm bên đồng nghiệp, không phải trong phòng Giaó Viên đầy đủ tiện nghi, mà bên những khóm lúa xanh mát, bên những nụ hoa mỏng manh , yếu ớt, cảm nhận được sức sống mãnh liệt từ những hạt thóc nảy mầm, nhìn ra điều kỳ diệu từ những gì đơn sơ nhât.
Bình Yên Giữa Phố…
Là những trưa hè dọc hành lang lầu 3, với tay đón cánh hoa Phượng nở sớm, lẻ loi đến tội nghiệp, mới hay rằng : sự cô độc luôn hiện hữu khắp nơi nơi.
Bình Yên Giữa Phố…
Là những chiều mưa bụi, quẩn quanh hoài lối xưa kỷ niệm, chợt nhận ra,hạnh phúc đến từ sự vị tha cho Người và chấp nhận thiệt thòi cho ta.
Bình Yên Giữa Phố…
Là lúc đêm về, chỉ còn ta và hoài niệm.
Giữa phố thị ồn ào, sôi động, tìm chút bình yên, nào phải quá tầm tay, phải không ạ?

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

BÌNH AN LÀ PHÚT BÊN NGƯỜI

Con về bên Mẹ chiều nay
Hát lời ru của những ngày ấu thơ.
À ơi...chín đợi mười chờ
Tan thành bọt sóng giấc mơ sum vầy
À ơi..người vẫn quanh đây
Mà sao khoảng cách mỗi ngày một xa
....
Ngày qua, rồi lại tháng qua
Đuổi theo hạnh phúc, cứ xa...xa dần.
Đến giờ, gối mỏi, chùn chân
Mới hay có Mẹ,tri âm giữa đời
Bình an, là phút bên Người
Chải từng sợi tóc, cuối đời xác xơ.

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

SÁU TÁM CHO NGƯỜI

Thu còn quyến luyến trên cành,
Hắt hiu tia nắng mong manh cuối ngày
Chân trời rợp cánh chim bay
Dìu nhau di trú, qua ngày giá đông.
Phương xa- Người có lạnh không ?
Cho em gửi xíu nắng hồng phương Nam
Kèm theo những sợi khói lam
Quyện bao thương nhớ, bình an đến Người
Để môi luôn nở nụ cười
Dù ở cuối trời, mây xám giăng giăng.

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

BIỆT...

Anh có về nơi đây.
Đừng ngạc nhiên khi biết
Lá vàng úa trên cây
Chờ gió về tiễn biệt.
Chỉ mình em, mình em
Níu mùa xưa dần lịm
Rồi từng đêm , từng đêm
Dệt tứ thơ nấc nghẹn.
Còn lại đây dấu hài ,
In trên thềm cỏ ướt
Còn lại đây men say
Phút nồng nàn thuở trước
Anh có về nơi đây,
Đừng giả vờ ủ rủ
Làm một cuộc chia tay
Chỉ mình em, cũng đủ !

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

 TRUYỀN THUYẾT SAO MAI VÀ SAO HÔM

Anh ạ, ngày xưa trên Thượng giới
Ngọc Hoàng trị quốc, rất nghiêm minh
Rạch ròi thưởng phạt ai công, tội
Cuộc sống nơi đây mãi thái bình.
Hổng biết vì sao viên Thái Giám
Đem lòng tưởng nhớ một nàng Tiên
Mà nàng..chậc...chậc...anh nào biết
Đã đẹp, thêm ngoan, giống hệt em ! (hi..)
Thường xuyên gặp gỡ nơi vườn cấm
Hứa hẹn bên nhau đến bạc đầu
Ai ngờ Bắc Đẩu đi thèo lẽo
Đẩy cả duyên tình xuống vực sâu.
Xử đúng quy trình người phạm lỗi
Thành Sao, xa ngái ở hai miền
Tiếng khóc nao lòng giờ vĩnh biệt
Anh hỡi, tan rồi, mối thiên duyên !
Hai vì sao lạc về hai lối
Sao sáng ban ngày, sao tỏ đêm
Cho đến một chiều giông bão nỗi
Một hóa thành anh, một hóa em .
Chung một vòm trời, chung trăng lỡ
Mà chẳng bao giờ gặp được nhau
Anh - Em ỏ hai đầu nỗi nhớ
Biết đến khi nào thoát kiếp Sao ?

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

CHỊ DẬU, LAÕ HẠC VÀ THẦY GIÁO, AI KHỔ HƠN ?

CHỊ DẬU, LÃO HẠC VÀ THẦY GIÁO-AI KHỔ HƠN
1.Chị Dậu
Nghèo như chị thì không bàn cãi rồi, tài sản của chị có giá trị nhất là cái nón rách chị dùng đi mưa đi nắng. Nếu kết nạp Đảng, chị không phải lo về việc kê khai tài sản. Con thì một đống, chồng thì ốm yếu, thêm chú em chồng chết rồi vẫn để nợ sưu cho chị dâu, phải bán con, bán chó, bán cả sữa.. Tận cùng của sự bất hạnh. Ai là người khổ nhất? Chị Dậu chứ ai.
2.Lão Hạc
Vợ mất sớm, con trai duy nhất cũng bỏ lão mà đi, chỉ có con chó làm bạn cũng rời xa lão. Cả cuộc đời sống trong cô đơn cùng cực. Cuối cùng chọn cái chết thương tâm để giải thoát cuộc đời. Tận cùng của nỗi cô đơn, cô đơn đến khi chết. Ai khổ nhất? Lão chứ ai.
3.THẦY GIÁO
Tốt nghiệp Đại học hạng ưu, năm đầu tiên thử việc chỉ hưởng 85% lương. Sau 5 năm được hưởng lương bậc 2 (hệ số 2,67). Lương chính được 2tr981k/tháng cộng phụ cấp ưu đãi 969k. Tổng cộng thầy giáo được 3tr860k. Số tiền này khấu trừ 9.5% BHXH, BHYT, BHTN, Trừ tiền công đoàn phí, đảng phí, quỹ tổ chuyên môn, Thầy giáo thực lãnh khoảng 3,5tr. Trả tiền nhà trọ 1,5tr, tiền đổ xăng 600k. Số tiền còn lại là 1tr4 tiền chia đều 30 ngày, mỗi ngày được 46000đ- Làm gì với số tiền này? Chỉ Thầy giáo biết. Ai là người khổ nhất? Thầy chứ ai.
Rốt cục ai là người khổ nhất? Chị Dậu ư? Không đâu chị ơi, chị nghèo nhưng còn có túp lều trú thân khi mưa nắng, nghèo nhưng vẫn còn chó, có sữa để bán. Thầy giáo lấy sữa đâu mà bán, có gì bán ngoài chữ và lương tâm. Nhưng cả hai thứ đó đều rẻ lắm, mấy lại ai bán lương tâm bao giờ. Lão Hạc ư? Cũng không đâu, lão sống cùng cực, chết trong đớn đau, cả đời sống trong sự cô đơn nhưng lão còn có vợ, có con. Còn Thầy giáo có ai dám lấy vợ, sinh con không, lương bằng 1/4 lương thằng cắt cỏ đại lộ Thăng Long như vậy lấy gì nuôi chúng. Nỗi khổ của chị và lão có là gì, chị và lão đâu có phải một năm đi họp chuyên môn cấp Phòng 3 lần, bồi dưỡng chính trị hè 1 lần. Mỗi tháng họp HĐSP 1 lần, chi bộ 1 lần, họp tổ 2 lần, họp nhóm 4 lần (nếu dạy 3 khối là 6 lần), chưa kể họp phụ huynh, họp đột xuất, họp bình xét thi đua, họp đánh giá công chức, đánh giá Đảng viên, đánh giá nhận xét tiết dạy.. Nhưng vẫn chưa là gì đâu, đầu năm quăng cho đống chỉ tiêu với lời nhắn đạt bằng mọi giá, không được để thua năm trước. Rồi lao vào dạy, soạn bài, dự giờ theo quy định, thao giảng, tiết dạy tốt, thi giáo viên giỏi, viết SKKN, làm chuyên đề, ôn tập bồi dưỡng HS yếu kém như thằng điên, tóc tai bù xù. Đến tối phải chấm bài, soạn giáo án điện tử, ra đề kiểm tra. Chủ nhật kiếm nhà HS nghỉ học năn nỉ đi học lại. Ban ngày làm gái ngoan Công, Dung, Ngôn, Hạnh, phiên bản thơ ngây vì mặc định xã hội nghĩ như vậy rồi. Nếu không sẽ bị các nhà đạo đức học đáng kính chửi vào mặt: "Thầy giáo mà như vậy à..". Chưa kể lúc nào cũng phập phồng lo lắng tổ trưởng chuyên môn, BGH dự giờ không báo trước. HS hỗn hào, không học bài. Lúc nào cũng trong tâm trạng "Sống trong sợ hãi", sợ không đạt chỉ tiêu, sợ chất lượng thấp, sợ tay nghề chuyên môn yếu, sợ phụ huynh mét hiệu trưởng...Điệp khúc "buộc thôi việc" luôn văng vẳng bên tai. Rồi tự an ủi "Bi, đừng sợ" nhưng sự thật là Bi sợ đến mất Bi luôn rồi.
Ba nhân vật tuy không cùng hoàn cảnh xã hội nhưng cùng chung tầng lớp xã hội. Ai khổ hơn ai? Có lẽ Thầy giáo là người xứng đáng nhận vương miện hoa hậu, á hậu 1 xin trao cho chị Dậu, lão Hạc nhận á hậu 2. Mong 2 người vui vẻ, giải cũng trao rồi, giờ không phục thì thôi.
Tuy vậy bỏ qua tất cả, Thầy giáo vẫn hơn nhiều người lắm, ví dụ anh cu-li, người nông dân... Trong xã hội vẫn nhiều người nhìn họ với ánh mắt thiện cảm, tuy pha một chút thương hại. Thế nên bác Thăng, bác Nhạ ơi, bác có con cho làm GV đi, nghề này cao quý lắm, đừng cho con du học, không có tương lai đâu..

NGẪM

NGẪM...

Một số nội dung giáo dục đổi mới thật sự đã có từ xưa ở Việt Nam. Vậy nên phải hiểu đổi mới không phải là xóa đi thành quả giáo dục truyền thống mà cần vận dụng cho thích hợp với yêu cầu hiện đại. Đọc lại hai đề thi "Đình" chọn tiến sĩ ngày xưa sao thấy hay quá, đề yêu cầu tính độc lập, sáng tạo và sức thuyết phục cao của người viết rất nhiều:
Đề thi Đình (năm 1442):

Trẫm nghĩ trị n­ước phải lấy nhân tài làm gốc. Thời Đường Ngu nhân tài có nhiều, như­ng các quan được dùng ngoài Tứ Nhạc, Cửu quan, Thập nhị mục ra không thấy còn ai nữa: Sao nhân tài khó tìm vậy. Đến Đế Nghiêu sáng suốt hiểu ng­ười như thế mà trong triều vẫn còn tứ hung, sao tiền nhân khó biết vậy! Cái nạn Giáng Thủy, cái họa Hoài Sơn dân chúng thời ấy tai vạ thực không ít. Cổn trị thủy đến chín năm, gây biết bao tai họa cho dân, sao trừ bỏ tiểu nhân muộn vậy? Đời Chu đư­ợc Kinh thi ca ngợi là kẻ sĩ đông đúc . Văn Vư­ơng dựa vào họ mà dẹp yên đất nước như­ng tới thời Vũ Vương chỉ còn thấy nhắc tới thập loạn. Như vậy, bảo là nhân tài khó kiếm, há chẳng phải đúng sao? Quản Thúc, Sài Thúc phao tin đồn nhảm, khiến Chu Công phải lận đận, Vương Thất suýt sụp đổ, sao bọn tiểu nhân nham hiểm đến thế, không thời đại nào là không có chúng. Đức Thái Tổ Cao Hoàng để ta lấy đư­ợc thiên hạ, nhiều phen xuống chiếu cầu hiền mà không có một ai ứng tuyển, trong khi ấy thì bọn Xảo, bọn Hãn ngẫm nuôi m­ưu gian. Trẫm từ khi lên ngôi tới nay, gắng sức trị nước thế mà việc chọn nhân tài vẫn mịt mờ, thăm thẳm. Bọn Ngân, bọn Sát lại gian ngoan chứa ác. Sao người quân tử khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết như­ vậy?

Các ngư­ời hãy đem hết hiểu biết của mình trả lời, trẫm sẽ đích thân xem xét.

Đề thi Đình (năm 1871):

Trẫm thư­ờng đọc sách Luận ngữ đến chỗ Tử Cống hỏi về chính sự, Khổng Tử nói rằng: “đủ l­ương thực, đủ binh lính, dân tin theo vậy” Nhân nghĩ công việc hiện nay, không gì quan trọng hơn điều đó, mà muốn thực hiện đư­ợc điều đó thì sự lựa chọn ng­ười tốt lại quan trọng hơn cả.Trẫm từng đêm ngày lo nghĩ mà vẫn ch­ưa đạt được hiệu quả mong muốn. Đông đảo kẻ sĩ các ngư­ời lúc mới xuất thân ắt hẳn có cơ sở học kinh bang tế thế. Vậy thì những loại việc thiết thực như­ vậy, suy từ cổ chí kim, nghĩ thế nào, làm thế nào để có công hiệu, hãy nói hết với trẫm. Các ngư­ời chớ lặp lại ý ng­ười khác, chớ bàn phù phiếm, trẫm cũng bất tất phải nói nhiều để các ngư­ời có thời giờ rộng rãi, nói đ­ược hết ý nghĩa, xứng với ý muốn của trẫm.

HỌP PHỤ HUYNH


Người mẹ ngồi đối diện ngay trước cô giáo, đầu chị cúi sát hơn xuống mặt bàn.
Tiếng cô giáo cứ bập bùng bên tai.... Tổng cộng các khoản đóng góp khoảng.... nếu có quý vị mạnh thường quân nào ủng hộ nhiều hơn, nhà trường xin nhiệt liệt hoan nghênh.
Chị lại cúi xuống thấp hơn nữa, tiếng xì xầm của phụ huynh vẫn lùng bùng bên tai: "Chán, con cái nhà tôi học hành chẳng bằng ai, mà đóng góp kiểu này chắc tôi cho nghỉ." " À, mà phụ huynh cái em được giải quốc gia đâu, sao không lên tiếng nhỉ, con tôi mà được như thế thì tôi chả tiếc."
Chị giật mình, người ta vừa nhắc tới con chị, nó được giải cấp quốc gia môn Toán. Niềm vui nó mang về cho chị chẳng khác gì một dòng nước trong lành tưới mát cuộc đời cằn cỗi khô héo của chị. Còn nhớ lúc nó báo tin, hai mẹ con ôm nhau khóc. Nước mắt tuôn rơi nhưng lòng chị lại cháy bùng lên quyết tâm tiếp tục cho con học tập. Nhờ cái ý chí ấy mà cả tháng nay chị làm ngày làm đêm không thấy mệt, những vết dao cứa trên từng ngón tay không thấy đau. Thằng con chị cũng lao vào bóc hạt điều thuê với mẹ. Cái bàn tay cầm bút giải toán của nó, giờ vằn vện những sẹo. Chị vuốt ve, xót xa. Nó cười xoà, bảo tay con ngày càng giống tay mẹ, nếu có lạc nhau, chỉ cần những vết thô ráp này, con sẽ tìm thấy mẹ.
Tối qua bỏ tiền ra đếm, được trên triệu bạc. Chị mang trả cô hàng xóm bảy trăm tám chục nghìn, hôm trước mượn đóng tiền đầu năm cho con. Còn gần ba trăm, giắt vào túi, tự tin rằng thừa sức cho buổi họp hôm nay. Chị nhẩm tính, tuần trước đã đóng hai trăm mấy chục nghìn tiền quỹ tự phục vụ, khoản quỹ coi như xong, hôm nay có đóng, chắc cũng không bao nhiêu, thế nên chị mạnh dạn ngồi bàn đầu. Khi cô giáo giới thiệu chị là phụ huynh có con đạt giải cấp quốc gia, chị đứng lên, mỉm cười đáp lại ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người. Lúc đó, lòng chị hân hoan bao nhiêu thì giờ trĩu nặng từng ấy... .Quỹ trường một trăm, tiền xây dựng cơ bản một trăm, tiền sách hai chục, còn quỹ lớp thì tùy phụ huynh, khoảng một hai trăm gì đó. Đã có mấy vị tích cực trong lớp, lên đóng cho cô giáo năm trăm, mọi người vỗ tay rào rào,... cô giáo trân trọng cảm ơn...
Chị vẫn ngồi im...cảm giác như hàng trăm ánh mắt đang nhìn về phía mình. Biết thế, chị bóc thêm mấy bao hạt điều nữa, cũng thêm được vài trăm. Khổ nỗi mấy hôm chị làm đêm, thằng con chị cũng nhất quyết thức đến 12 giờ để bóc hạt điều cùng mẹ. Nghĩ con đã thiếu ăn, giờ lại còn thiếu ngủ, chị không đành lòng, nên chẳng dám nhận quá nhiều. Hôm đi giao hàng, lúc cầm tiền công, thằng con chị nó bảo: " Mẹ con mình chở đi mấy bao tải nặng mà mang về nhẹ quá mẹ nhỉ." Thương con, chị dẫn nó vào quán phở, gọi hai bát. Thằng con chị ăn vèo một cái là hết, nó cười hấp háy "Tuần này mình nhận nhiều hơn đi mẹ, thức thêm một tí để lần sau còn được ăn phở." Hừm, tại cái thằng háu ăn quá. Biết vậy hôm ấy đừng ăn thì giờ cũng thêm được mấy chục đóng cho cô giáo....
"Còn phụ huynh nào đóng tiền nữa không ạ?" Tiếng cô giáo làm chị bừng tỉnh. Chị nhìn qua cửa lớp học, vừa kịp nhận ra bác tổ trưởng dân phố, chị lao ra... . Sau vài phút trao đổi, chị quay trở lại lớp, nét mặt thư giãn hẳn, chị bước tới bàn cô giáo, đóng cho con đầy đủ các khoản.
Đêm nay, chị sẽ giả vờ đi ngủ lúc 12 giờ, chờ cho thằng con mình ngủ say, chị sẽ dậy bóc hạt điều.... cho đến khi chuông nhà thờ đổ....
(trích facebook bạn)

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

BẬU ƠI...

Bậu ơi ! Lũ về
Trắng xóa làng quê
Ngừơi dân cực khổ trăm bề
Tan hoang nhà cửa, đi về khó thay.
Bậu ơi ! Có hay ?
Chiều nay Saigon
Có một giọt nhớ cỏn con
Hóa thành lũ, ngập kín hồn, Bậu ơi!

NÀY EM...

Này em - một cõi thiên đường
Bây giờ xa ngái, vấn vương làm gì .
Này em - đừng để hoen mi,
Đời là những cuộc chia ly, phải đành
Này em - có tiếng Vạc sành
Từng đêm khắc khoải bên cành Liễu xưa
Này em - hòa lẫn giọt mưa
Phải chăng giọt nhớ cũng vừa vỡ đôi ?

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

NÓI CHUYỆN VỚI TRÒ



Các trò thương yêu của cô !
Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về lời daỵ của tiền nhân "trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần", ý nghĩa của lời dạy này ra sao , các con biết hôn ?

Con số bảy gồm có: thượng, hạ, đông, tây, nam, bắc và dấu gạch ngang thân hình của nó ( lối viết theo người Ðông phương ). Ðiều nầy nói lên ý nghĩa là chúng ta phải lưu ý khi phát ngôn. Nhìn lên, thì lời nói không để cho xúc phạm với các bậc trưởng thượng. Nhìn xuống, thì không nên nói năng gây ra làm khổ cho người thấp dưới mình. Như chửi rủa la rầy nặng lời con cháu chẳng hạn. Nhìn ngó bốn bên là lời nói không gây ra ác độc làm khổ lụy cho bất cứ một ai. Và cuối cùng, nhìn ngang khi phát ra lời nói ta cũng cố giữ hòa khí đừng để gây ra làm mất lòng với những đồng bạn đồng hành ngang hàng với mình.

Cổ nhân đã dạy cách uốn lưỡi 7 lần trước khi phát ngôn là như thế. Ðó là lời nói khi phát ra không gây tổn hại cho bất cứ ai. Chúng ta nên sử dụng lời nói mang tính chất ái ngữ, từ tốn, hiền dịu, hòa nhã, đoàn kết, yêu thương, xây dựng v.v… để làm lợi ích cho mọi người

Nói tóm lại, nói uốn lưỡi bảy lần, đó là cách nói ẩn ý ngụ ngôn mà người xưa đã khuyến nhắc chúng ta phải hết sức cẩn trọng giữ gìn ở nơi lời nói. Vì: “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Hay “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Chúng ta nên ghi nhớ câu: “ Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập”. Một lời nói hưng nhà lợi nước, cũng một lời nói mà nước mất nhà tan. Một lời nói tán thân mất mạng và một lời nói cứu muôn vạn sanh linh.  Lời nói của ta phải là lời nói mang chữ ký có giá trị muôn đời.
Các trò đã hiểu rõ chưa, bài này, cô sưu tầm trên mạng đó các trò ạ, hi..






0


0


Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

VÔ ĐỀ 4

Đang mùa thi tuyển, Bậu biết không?
Bao nỗi lo toan, mặn đắng lòng
"Lệ đuyền' mãi miết, trò vung chưởng
Thủ thuât giải bài, cô vận công

Đang mùa thi tuyển Bậu có thương ?
Trẻ con mệt mỏi vẫn đến trường
Bước đến tương lai bằng con chữ
áp dụng được gì ở từng chương?

Đang mùa thi tuyển Bậu có hay ?
Bận rộn mà sao nhớ vẫn đầy
Giải những phương trình mang ẩn số
Giải được tình mình bây lâu nay ?

VÔ ĐỀ 3

Ngày xa xưa
Anh nói tiếng yêu em
Bằng ánh mắt
Và bờ môi khao khát
Em đã muôn giang tay giữa trời
Xoay tròn
Cất lên tiếng hát
Cho thế giới này hiểu được tình ta
Rồi một ngày
Ba đột ngột đi xa
Trả lại cho con những tính toan báo hiếu
Con những muốn giang tay
Khóc
Hỏi Phật Trời thấu hiểu
Cướp Ba đi rồi
Thần thánh cũng thôi linh
Rồi một ngày
Ta hổ thẹn chính mình
Trên bục giảng
Ba hoa điều sai sự thật
Thế hệ trẻ ra sao ?
Khi niềm tin đánh cắp
Ta lại muốn giang tay gữa trời
Nhưng rũ xuống
Khóc,
Cô đơn.

VÔ ĐỀ 2

Em đâu thả bùa nỗi nhớ,
Mà Hoa Nắng cứ lung linh
Chim non trên cành dụm mỏ
Tỉ tê kể chuyện đôi mình
Em đâu thả bùa nỗi nhớ.
Mà Lan trắng cứ mong manh
Kỷ niệm nhàu bay theo gió
Lẻ loi cả tiếng Vạc Sành.
Em đâu thả bùa nỗi nhớ,
Cung trầm Dạ Khúc mãi ngân
Chơi vơi một vầng Trăng lỡ
Vọng Nguyệt Đài, chẳng dừng chân.
Trong cõi vô thường, mải miết
Vẫn giữ nhịp bước độc hành
Bao giờ vầng Trăng thôi khuyết
Để vòm trời mãi trong xanh ?

VÔ ĐỀ 1

Saigon cuối tuần lại mưa
Hò hẹn trở nên quá thừa
Giọt hờn vuơng trên cành lá
Giọt nhớ bám vào song thưa
Saigon cuối tuần mưa bay
Nép vội bên hiên , bóng gầy
Lời rao nhạt nhòa theo gió
Tủi phân cơ hàn, lắt lay
Saigon cuối tuần mưa rơi
Thuơng người góc bể ,chân trời
Gửi vội theo mưa nỗi nhớ
Chẳng thể làm gì, cho vơi..

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

KHẮC KHOẢI

Em hiểu gì trong giờ Hóa sáng nay ?
Bài "Ankan" với đồng phân bé nhỏ
Liên kêt đôi-ba bẻ tan rất khó
Chỉ Cracking là hiểu quả được ngay.

Em nghĩ gì trong giờ Hóa sáng nay ?
Từ Ankan cho ra bao dầu khí
Biển đảo, giàn khoan ..ngày đêm chiến sĩ
Quên thân mình cho Tổ Quốc ban mai

Em thấy gì trong giờ Hóa sáng nay?
Một tiết thôi mà bao điều phải học
Có thấy cô luôn loay hoay khó nhọc
Để chứng minh tích hợp lắm điều hay

Xin lỗi em về giờ Hóa sáng nay
Người lớn như cô diễn trò không thật
Làm sao em hiểu điều quan trọng nhất
Bẻ gãy Ankan chỉ cần mỗi Cracking !