Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

CHỊ DẬU, LAÕ HẠC VÀ THẦY GIÁO, AI KHỔ HƠN ?

CHỊ DẬU, LÃO HẠC VÀ THẦY GIÁO-AI KHỔ HƠN
1.Chị Dậu
Nghèo như chị thì không bàn cãi rồi, tài sản của chị có giá trị nhất là cái nón rách chị dùng đi mưa đi nắng. Nếu kết nạp Đảng, chị không phải lo về việc kê khai tài sản. Con thì một đống, chồng thì ốm yếu, thêm chú em chồng chết rồi vẫn để nợ sưu cho chị dâu, phải bán con, bán chó, bán cả sữa.. Tận cùng của sự bất hạnh. Ai là người khổ nhất? Chị Dậu chứ ai.
2.Lão Hạc
Vợ mất sớm, con trai duy nhất cũng bỏ lão mà đi, chỉ có con chó làm bạn cũng rời xa lão. Cả cuộc đời sống trong cô đơn cùng cực. Cuối cùng chọn cái chết thương tâm để giải thoát cuộc đời. Tận cùng của nỗi cô đơn, cô đơn đến khi chết. Ai khổ nhất? Lão chứ ai.
3.THẦY GIÁO
Tốt nghiệp Đại học hạng ưu, năm đầu tiên thử việc chỉ hưởng 85% lương. Sau 5 năm được hưởng lương bậc 2 (hệ số 2,67). Lương chính được 2tr981k/tháng cộng phụ cấp ưu đãi 969k. Tổng cộng thầy giáo được 3tr860k. Số tiền này khấu trừ 9.5% BHXH, BHYT, BHTN, Trừ tiền công đoàn phí, đảng phí, quỹ tổ chuyên môn, Thầy giáo thực lãnh khoảng 3,5tr. Trả tiền nhà trọ 1,5tr, tiền đổ xăng 600k. Số tiền còn lại là 1tr4 tiền chia đều 30 ngày, mỗi ngày được 46000đ- Làm gì với số tiền này? Chỉ Thầy giáo biết. Ai là người khổ nhất? Thầy chứ ai.
Rốt cục ai là người khổ nhất? Chị Dậu ư? Không đâu chị ơi, chị nghèo nhưng còn có túp lều trú thân khi mưa nắng, nghèo nhưng vẫn còn chó, có sữa để bán. Thầy giáo lấy sữa đâu mà bán, có gì bán ngoài chữ và lương tâm. Nhưng cả hai thứ đó đều rẻ lắm, mấy lại ai bán lương tâm bao giờ. Lão Hạc ư? Cũng không đâu, lão sống cùng cực, chết trong đớn đau, cả đời sống trong sự cô đơn nhưng lão còn có vợ, có con. Còn Thầy giáo có ai dám lấy vợ, sinh con không, lương bằng 1/4 lương thằng cắt cỏ đại lộ Thăng Long như vậy lấy gì nuôi chúng. Nỗi khổ của chị và lão có là gì, chị và lão đâu có phải một năm đi họp chuyên môn cấp Phòng 3 lần, bồi dưỡng chính trị hè 1 lần. Mỗi tháng họp HĐSP 1 lần, chi bộ 1 lần, họp tổ 2 lần, họp nhóm 4 lần (nếu dạy 3 khối là 6 lần), chưa kể họp phụ huynh, họp đột xuất, họp bình xét thi đua, họp đánh giá công chức, đánh giá Đảng viên, đánh giá nhận xét tiết dạy.. Nhưng vẫn chưa là gì đâu, đầu năm quăng cho đống chỉ tiêu với lời nhắn đạt bằng mọi giá, không được để thua năm trước. Rồi lao vào dạy, soạn bài, dự giờ theo quy định, thao giảng, tiết dạy tốt, thi giáo viên giỏi, viết SKKN, làm chuyên đề, ôn tập bồi dưỡng HS yếu kém như thằng điên, tóc tai bù xù. Đến tối phải chấm bài, soạn giáo án điện tử, ra đề kiểm tra. Chủ nhật kiếm nhà HS nghỉ học năn nỉ đi học lại. Ban ngày làm gái ngoan Công, Dung, Ngôn, Hạnh, phiên bản thơ ngây vì mặc định xã hội nghĩ như vậy rồi. Nếu không sẽ bị các nhà đạo đức học đáng kính chửi vào mặt: "Thầy giáo mà như vậy à..". Chưa kể lúc nào cũng phập phồng lo lắng tổ trưởng chuyên môn, BGH dự giờ không báo trước. HS hỗn hào, không học bài. Lúc nào cũng trong tâm trạng "Sống trong sợ hãi", sợ không đạt chỉ tiêu, sợ chất lượng thấp, sợ tay nghề chuyên môn yếu, sợ phụ huynh mét hiệu trưởng...Điệp khúc "buộc thôi việc" luôn văng vẳng bên tai. Rồi tự an ủi "Bi, đừng sợ" nhưng sự thật là Bi sợ đến mất Bi luôn rồi.
Ba nhân vật tuy không cùng hoàn cảnh xã hội nhưng cùng chung tầng lớp xã hội. Ai khổ hơn ai? Có lẽ Thầy giáo là người xứng đáng nhận vương miện hoa hậu, á hậu 1 xin trao cho chị Dậu, lão Hạc nhận á hậu 2. Mong 2 người vui vẻ, giải cũng trao rồi, giờ không phục thì thôi.
Tuy vậy bỏ qua tất cả, Thầy giáo vẫn hơn nhiều người lắm, ví dụ anh cu-li, người nông dân... Trong xã hội vẫn nhiều người nhìn họ với ánh mắt thiện cảm, tuy pha một chút thương hại. Thế nên bác Thăng, bác Nhạ ơi, bác có con cho làm GV đi, nghề này cao quý lắm, đừng cho con du học, không có tương lai đâu..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét