Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

TỪ KHI TRĂNG LÀ NGUYỆT

( Trăng là tinh tú trên cao
Nguyệt là kỷ niệm hôm nào dưới trăng)
Từ khi vầng Trăng là Nguyệt
Lung linh, sáng ấm góc trời
Nửa mảnh Trăng gầy vì khuyết
Cũng làm mắt lá chơi vơi
Từ khi Trăng thôi là Nguyệt
Có vì sao khóc , đơn côi
Thềm xưa,liễu buồn ủ rủ
Hương Quỳnh hoang hoải, ngậm ngùi
Anh có khi nào là Nguyệt?
Cùng em lặng ngăm sao rơi
Thềm xưa Nguyệt -Trăng đối ẩm
Hương Quỳnh thơm ngát nhẹ vơi
Anh có bao giờ là Nguyệt?
Choàng ôm nửa mảnh Trăng côi.
Trong cõi vô thường mải miết
Nguyệt-Anh sáng ấm góc đời

SAIGON KHÓC HÀNG CÂY

Hàng cây xưa, mất đâu rồi ?
Nghẹn ngào chị hỏi,rối bời lòng em
Hàng cây, góc phố thân quen
Nghiêng che bóng mát, vẽ nên cuộc tình
Bây giờ góc phố lặng thinh
Chôn vùi kỷ niệm thuở mình với ta
Saigon, em khóc ngày qua
Riêng mình chị khóc, lệ sa xứ người
Hàng cây đã hóa mây trời
Nương theo gió cuốn gửi người xa quê .

ĐÔI KHI NĂNG QUA MÀI HIÊN LÀM TÔI NHỚ..

Nhớ là trạng thái cảm xúc chỉ có ở con người, các loài sinh vật khác nếu có nhớ cũng chỉ là cái nhớ bản năng sinh tồn, như chim nhớ đường bay, Ong nhớ cách làm tổ..
Nhớ - ko chỉ là nỗi nhớ của tình yêu nam nữ, mà có nỗi nhớ quê hương, làng xóm, nhớ người sinh thành, nhớ những ngày thơ ấu
Nhờ- ko chỉ đến khi đã chia xa, mà nhớ đến khi đang hiện hữu, như đứng giữa Saigon,mà vẫn nhớ Saigon quay quắt.
Có nỗi nhớ đến từ thính giác và khứu giác , như 1 nhà thơ đã thốt lên “ Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh”,có nỗi nhớ ko ngự trị thường xuyên mà bất chợt ùa đến, thoảng qua thôi, đôi khi thôi
Như Nhà thơ Trần Hồng Giang có lần cũng tư lự “ đôi khi ta lại nhớ em”, như Trịnh “đôi khi nắng qua mái hiên, làm ta nhớ ,Đôi khi bỗng nghe bước chân về đâu đó của em, Đôi khi thấу trong gió baу lời em nói..”
Chỉ là đôi khi thôi mà, vì cuộc sống bộn bề công việc và trách nhiệm, em cứ quay cuồng như chong chóng, nói cười như mặc định, chọn cô đơn làm bạn cho cuộc sống bình an dù tẻ nhạt , chỉ lúc tĩnh lặng, một mình, nhớ ập đến làm bâng khuâng, xao xuyên, lặng người
Em thấy như trong ngọn gió kia, nhánh Lan rừng ngày nào vẫn thắm,trong giọt nắng kia, có ánh mắt và nụ cười của người và trong giâc mơ , đôi khi người vẫn ghé về.
Nhớ- có da diết đến mấy cũng chỉ âm thầm thôi, như ca từ 1 bài hát “ Chiều một mình qua phố, âm thầm nhớ nhớ đến anh “, phải âm thầm nhớ thôi, người ạ, vì em còn công việc, gia đình em còn danh dự và nhất là người chỉ là hoài niệm, hoài niệm đó ko thể thành hiện thực bao giờ
Nhớ- chỉ đôi khi thôi, vì em hiểu, em chỉ giữ được, chỉ sở hữu người trong trái tim chứ ko thể giữ, ko thể sở hữu người trong cuộc đời này.


MỜI RƯỢU

Uống cạn cùng em chén rượu đầy
Say - cho quên hết chuyện quanh đây
Bên nhau đối ẩm chiều Thu muộn
Thả giọt u sầu xuống chén cay
Uống cạn đi anh , chén rượu nồng
Dù mai, tất cả hóa hư không
Vờn trăng, quyện gió trao thi tứ
Mặc kệ, bên ngoài lắm bão giông
Uống cạn đi anh, uống cả Thu .
Heo may trở gió, dốc sương mù
Rồi mai cách trở, đời đôi ngã
Vẫn nhớ đêm này, đối ẩm Thu .

MÙA ĐÔNG CỦA EM .

Anh biết chăng mùa Đông ,
Dìu hạt mưa xuống phố.
Chú chim sâu trăn trở
Giấu mỏ, chẳng thèm bay.
Mùa Đông ở nơi đây
Không tuyết rơi trắng xóa
Gió nhẹ về, rất lạ,
Chỉ đủ làm so vai
Mùa Đông đến sáng nay
Rồi sẽ đi rất vội
Như lời yêu - định nói
Ngập ngừng, rồi lãng phai

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

HOÀI NIỆM CÙNG " GIÓ ĐÔNG GIÓ TÂY " CỦA PEARL.S.BUCK

Tôi mê đọc sách, thể loại nào cũng đọc.
Hoài niệm thời mới lớn của tôi chính là những giây phút tung tăng vào phòng đọc sách với Ba, chọn lựa rồi ngồi đọc mê say, đến khi con gà nhảy ra từ cái đồng hồ treo tường “ Cúc..cù cu “ là tôi biết ,9g tối, dù chưa đọc xong, cũng phải gấp sách, làm dấu trang rồi rời phòng , đi ngủ.
Cuốn sách cuối cùng tôi đọc, trong căn phòng thân yêu ấy, bên người đàn ông yêu thương tôi nhất, là cuốn" East Wind West Wind "(Gió Đông gió tây) của nhà văn nữ Pearl S. Buck .
Trong trí óc non nớt của tôi lúc bấy giờ,giải Nobel văn học hay giải Pulitzer của Bà không làm tôi quan tâm bằng việc một người phương Tây như Bà mà lại có sự thông cảm sâu sắc với nhiều vấn đề xã hội đến như vậy, tất cả các tác phẩm của Bà đều thể hiện sự giao thoa của 2 nền văn hóa Đông – Tây , ngay cả từ tiêu đề
Nhân vật chính của truyện là Quế Lan, cô gái xinh đẹp sống trong bốn bức tường của lễ giáo phong kiến, cô đã được dạy những điều chỉ để làm vui lòng chồng và gia đình chồng, từ việc bó chân đến "Đàn bà con gái phải im lặng như hoa trước đàn ông con trai và phải đúng lúc và kịp thời lui vào nhà trong để che giấu những xúc động vui buồn của mình."
Trớ trêu thay, người chồng sắp cưới của Quế Lan lại là bác sĩ, có nhiều năm ở nước ngoài, nên dù cô rất cố gắng , chồng của cô “chỉ nhếch mép vài câu rồi thôi, chỉ liếc mắt thoáng nhìn tôi thôi, dù tôi có mặc áo lụa đào và giắt trâm ngọc lên mái tóc mới chải chăng nữa.”
Chỉ đến khi cô đống ý tháo lớp băng quấn chân với lời nức nở “"Không, em chỉ làm như vầy là vì mình mà thôi, em muốn thành người đàn bà tân tiến cho vừa ý mình” thì tình yêu bắt đầu đến , để rồi “Ai hiểu được mãnh lực ấy nơi một người đàn ông và một thiếu nữ? Câu chuyện bắt đầu bằng một sự tình cờ : đôi mắt gặp nhau, ánh mắt rụt rè nán lại với nhau và đột nhiên bốc lửa, trở thành trân trối, cuồng nhiệt. Bàn tay chạm vào nhau và vội vàng rụt lại, đoạn hai con tim choàng lấy nhau .Thời gian ấy tôi sống trong niềm vui tràn ngập. Lời lẽ tôi nói giờ đây là những lời lẽ tươi hồng. Ngày cuối cùng tháng một, tôi biết chắc rằng đến mùa gặt lúa, tôi sẽ hạ sanh con tôi ."
Câu chuyện còn xoay quanh các nhân vật khác, từ người anh trai chấp nhận bỏ thừa kế để yêu người phụ nữ ”ngoại quốc man di mọi rợ”, từ người mẹ kiên quyết giữ lại những thói quen tập tục cổ hủ, lỗi thời đên các bà thiếp chỉ biết tranh nhau ngôi chánh thất.
"Gió Đông gió Tây "không hẳn là tuyệt tác so với các tác phẩm khác của Pearl S Buck, nhưng tôi đọc lại rất nhiều lần, lần nào cũng vậy ,khi gấp sách lại, tôi đều nén lòng không để rơi nước mắt khi nhớ ánh nhìn vừa âu yếm vừa nghiêm khắc cuả Ba tôi những khi tôi cố nấn ná lại để xem thêm vài trang sách ,xen lẫn tâm trạng khó tả khi nhận ra đ hạnh phúc của người phụ nữ, không chỉ là tìm được người đồng cảm, mà còn là người đủ “năng lực” khiến cho phải nức nở mà rằng “ không, em chỉ làm như vầy là vì mình mà thôi “ hi..
Xin trân trọng giới thiệu "Gió Đông Gió Tây" đến các anh chị em blogtv, đọc cho đỡ buồn, để vững tin rằng, trên thế gian này, có tình yêu đủ khiến cho hai nền văn hóa hòa nhập với nhau với suy nghĩ " cứ cổ hủ mãi không chịu hòa nhập thì không phát triển được mà quá bài xích cái cũ thì làm sao mà gìn giữ được giá trị văn hóa truyền thống?"

BONJOUR TRISTESSE !

Saigon lúc nào cũng đông
Người , xe nối nhau rắn rồng
Xập xình quán Bar, lễ hội
Chuyện thường, ùn tắc giao thông
Saigon lúc nào cũng đông
Mà như quạnh quẽ cánh đồng
Lang thang tìm hoài phố vắng
Gom buồn thả cõi hư không
BONJOUR TRISTESSE !

BIỆT

Anh có về nơi đây.
Đừng ngạc nhiên khi biết
Lá vàng úa trên cây
Chờ gió về tiễn biệt.
Chỉ mình em, mình em
Níu mùa xưa dần lịm
Rồi từng đêm , từng đêm
Dệt tứ thơ nấc nghẹn.
Còn lại đây dấu hài ,
In trên thềm cỏ ướt
Còn lại đây men say
Phút nồng nàn thuở trước
Anh có về nơi đây,
Đừng giả vờ ủ rủ
Làm một cuộc chia tay
Chỉ mình em, cũng đủ !

ĐÊM.........

Ta nghe gì trong tĩnh mịch đêm khuya ?
Tiếng lá rơi
Bên hiên nhà
Khô khốc !
Đôi Vạc sành réo gọi nhau
Mời mọc
Tiếng sóng lòng
Xô vỡ mạn thuyền duyên .
Ta thấy gì trong tĩnh lặng đêm đen ?
Cuối chân mây
Một vì sao cô lẻ
"Thấy" cô đơn bước chân về
Nhè nhẹ
Choàng lấy ta
Phá vỡ giấc Thụy Miên .

THẢ BÙA NỖI NHỚ

Em đâu thả bùa nỗi nhớ,
Mà Hoa Nắng cứ lung linh
Chim non trên cành dụm mỏ
Tỉ tê kể chuyện đôi mình
Em đâu thả bùa nỗi nhớ.
Mà Lan trắng cứ mong manh
Kỷ niệm nhàu bay theo gió
Lẻ loi cả tiếng Vạc Sành.
Em đâu thả bùa nỗi nhớ,
Cung trầm Dạ Khúc mãi ngân
Chơi vơi một vầng Trăng lỡ
Vọng Nguyệt Đài, chẳng dừng chân.
Trong cõi vô thường, mải miết
Vẫn giữ nhịp bước độc hành
Bao giờ vầng Trăng thôi khuyết
Để vòm trời mãi trong xanh ?

NÀY EM...

Này em - một cõi thiên đường
Bây giờ xa ngái, vấn vương làm gì .
Này em - đừng để hoen mi,
Đời là những cuộc chia ly, phải đành
Này em - có tiếng Vạc sành
Từng đêm khắc khoải bên cành Liễu xưa
Này em - hòa lẫn giọt mưa
Phải chăng giọt nhớ cũng vừa vỡ đôi ?

BỐN MÙA TIỄN BIỆT

Em tiễn anh về, cuối giấc Xuân
Quỳnh Huơng tỏa ngát, sắc trong ngần
Trăng đầy vội nép sau cành lá
Gọi gió cùng về, níu bước chân.
Em tiễn anh về, giấc Hạ say
Bằng Lăng khắc khoải,tím hao gầy
Vòng tay dịu khẽ, truyền hơi ấm
Dạ Khúc cung trầm, nhớ quắt quay
Em tiễn anh về, cuối giấc Thu
Heo may trở gió, dốc suơng mù
U buồn, lặng lẽ vầng trăng khuyết
Dạ Khúc , cung nào níu lãng du ?
Em tiễn anh về cuối giấc Đông
Tiễn bao thuơng nhớ tháng năm ròng
Tiễn luôn kỷ niệm nhàu theo gió
Tiễn cả tình mình, anh biết không ?



MƯA CUỐI TUẦN

Saigon cuối tuần lại mưa
Hò hẹn trở nên quá thừa
Giọt hờn vuơng trên cành lá
Giọt nhớ bám vào song thưa
Saigon cuối tuần mưa bay
Nép vội bên hiên , bóng gầy
Lời rao nhạt nhòa theo gió
Tủi phân cơ hàn, lắt lay
Saigon cuối tuần mưa rơi
Thuơng người góc bể ,chân trời
Gửi vội theo mưa nỗi nhớ
Chẳng thể làm gì, cho vơi..

ĐI LỄ CHÙA NÀY

Đầu mùa xuân,em cùng anh đi lễ
Nét trang nghiêm,ta quỳ dưới Phật Đài
Cội Mai già góc sân chùa xanh lá
Lắng nghe lời ta khấn Đức Như Lai
Mùa Hạ qua,em cùng anh đi lễ
Có con chim sáo nhỏ ngụ gác chuông
Khẽ nghiêng đầu,chim buông lời thánh thót
"Hãy dìu nhau đi đến hết quãng đường"
Mùa thu nay,chỉ mình em đi lễ
Nơi gác chuông,bầy chim sáo đâu rồi?
Chuông ngân nga,vang những lời thương nhớ
Cảnh còn đây,Người xa cách trùng khơi
Rồi mùa đông,anh có về đi lễ?
Để cùng em quỳ ở dưới Phật Đài
Để cội mai lại nghiêng đầu nghe khấn
Sáo bay về,vang tiếng hót nồng say!

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

HOA NHÀ NGƯỜI










LY CÀ PHÊ ĐẦU TIÊN CÓ MANG VỊ ĐẮNG ?

Em bắt đầu thấy nôn nao, chóng mặt…lâu hết giờ quá, còn những 50 phút .
Sáng nay, cũng như mọi sáng, 3 muỗng cà phê bột, 1 muỗng cacao, châm vài giọt nước sôi cho bột nở, rồi lại châm thêm nước sôi đến 2/3 phin, chờ giọt rơi chậm rãi là đặt lên bàn thờ Ba, nói thầm” Ba ơi, về uống cà phê đi Ba”, vậy thôi, khỏi nhang khói, bái lạy, người nhà, khách sáo làm gì.
Ròi em chợt nhớ sáng nay phải “ ngồi đồng” 3g- 180 phút dễ gì không gật gù với một người thiếu ngủ trầm trọng như em , đã khoác chiếc áo bào chuẩn mực đạo đức mà ngủ gật thì kỳ khôi quá .
Cho nên, thay vì đổ ly caphe sau khi cúng Ba như mọi lần, em nhấp thử 1 ngụm, mong tỉnh táo, đắng quá .
Chao ơi là đắng.........
Ngày xưa, Má không cho con gái uống cà phê, Má nói cũng tiền bạc, công sức sao không uống nước gì đó cho bổ khỏe mà lại di uống thứ nước đen ngòm, em hỏi má ơi, sao con thấy má uống caphe mà, ừ, tại má mệt quá, má cần tỉnh táo để làm việc con à .
Em hiện giờ cũng mệt, cũng cần tỉnh táo, thêm 1 ngụm nữa xem sao, vẫn đắng vô cùng .
Bao người uống ca phê , ly caphe đầu tiên có mang vị đắng ? Có sánh bằng vị đắng mà Người dành tặng riêng em ?

NIỆM KHÚC MƯA .

Saigon mưa rồi , anh !
Từng giọt rơi thương nhớ
Như nỗi niềm trăn trở
Hoài vọng những ngày xanh
Saigon mưa rồi , anh !
Thánh đường, chuông vẫn trỗi
Chim sâu buồn, nép vội
Đợi nắng về, mong manh .
Saigon mưa rồi,anh !
Gót hài xưa phai dấu
Cho nỗi buồn nung nấu
Hóa thành giọt long lanh .

RU EM BỐN MÙA

(Nỗi niềm lắng tự cội nguồn
Vô tình người chạm lại cuồn cuồn dâng
TG :Nguyễn Chu Nhạc)

Anh ru em ngủ gió Xuân sang
Hoa nắng chao nghiêng cánh mai vàng
Lời anh ru quyện vào huơng cốm
Dìu khẽ em vào giấc ngủ ngoan
Anh ru em ngủ nắng Hạ về
Ve sâu hòa điệu nhạc sơn khê
Cánh chuồn trầm lặng bên gốc rạ
Minh chứng tình ta vẹn ước thề
Anh ru em ngủ giọt mưa Thu
Bối rối à ơi,nghẹn sương mù
Lá vàng ngoài ngõ rơi đầy lối
Nhạt nhòa , lấp vấp điệu anh ru
Anh gửi lời ru theo tuyết Đông
Thiên đường phút chốc hóa mênh mông
Anh ru em ngủ, ru em ngủ
Có còn chăng nửa cũng bằng không !


TÌNH DỤC TRONG "CÚI XUỐNG THẬT GẦN" CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

Cúi xuống là để trao yêu thương,như vị linh mục cúi xuống bên con chiên,nhà từ thiện cúi xuống bên những mảnh đời bất hạnh.
“Cúi xuống thật gần”của Trịnh Công Sơn lại khác, cúi xuống chỉ là..cúi xuống .
“Cúi xuống ./ Cho máu ngược dòng/Cho nước sông cạn nguồn / Cho cây khô trên cành trút lá bơ vơ
Cúi xuống/Cho bóng đổ dài /Cho xót xa mặt trời /Cho da thơm trên người nay cũng phôi pha
Cúi xuống / Nghe đời nhấp nhô / Nghe tim rạn vỡ /Nghe trong tuổi nhỏ khóc oà
Cúi xuống/Trên bờ xót xa/Trên cơn lửa đỏ /Trên khuôn mặt đã im lìm
Cúi xuống/Nhìn sâu trong mắt /Và nghe mưa bão tan đi trong đại dương
Cúi xuống /Cho tắt nụ cười / Cho chút da thịt người /Trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang
Cúi xuống /Cúi xuống thật gần /Cho trái tim đập dồn /Cho đam mê thay vào đổ nát quê hương
Cúi xuống /Cúi xuống thật gần /Cho chiếc hôn ngọt nồng /Cho trăm năm ưu phiền phút chốc hư không
Cúi xuống /Cho tình dấy lên/Cho da thịt mềm /Cho cơn mặn nồng ngất lịm
Cúi xuống /Cho đời lãng quên /Cho mây trời chìm /Cho đêm mở hội âm thầm
Cúi xuống /Vùng non xanh mát /Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan”
……….
Khởi đầu bài hát, Trịnh đã viết
“Cúi xuống ./ Cho máu ngược dòng/Cho nước sông cạn nguồn / Cho cây khô trên cành trút lá bơ vơ”
Đúng vậy, khi ta cúi xuống, vòng tuần hoàn đảo ngược, tim ko thể bơm máu nuôi não,nuôi tế bào , sự sống sẽ cạn kiệt, nhưng chẳng phải sao, chết chỉ là kết thúc sự sống này và làm thăng hoa hơn sự sống mới ?
“Cúi xuống /Cho đời lãng quên /Cho mây trời chìm /Cho đêm mở hội âm thầm”
Tại sao mở hội chỉ âm thầm , không cờ hoa kèn trống ? Cần chi rộn ràng như thế, đêm mở hội cho 2 kẻ yêu nhau, chỉ cần Trăng nghiêng che trên cành liễu rũ, gió xào xạc nhẹ cùng những chiếc lá rơi bên thềm cũng đủ lắm rồi mà, đủ cho :
“ tắt nụ cười / Cho chút da thịt người /Trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang”
Cúi xuống, là để trao và nhận yêu thương, vậy tại sao nụ cười lại tắt, có phải chăng vì nụ hôn nồng nàn làm bờ môi khép lại, trần trụi , “tan hoang” cả xác thân cũng chẳng sao có phải vì có 1 người, 1 bóng mát phía trên che lấy ?
“Cúi xuống / Nghe đời nhấp nhô / Nghe tim rạn vỡ /Nghe trong tuổi nhỏ khóc oà”
Cúi xuống, chỉ vậy thôi can chi đến cõi đời ngoài kia nhấp nhô, gập gềnh, có ý kiến cho rằng cứ mặc kệ đời trắng đen thay đổi lẫn lộn, ta cứ việc đón nhận yêu thương từ người, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó là hành động hoan lạc của 2 kẻ yêu nhau , để rồi vỡ òa cảm xúc như trẻ nhỏ
Bởi vậy “ tình dấy lên/Cho da thịt mềm /Cho cơn mặn nồng ngất lịm”
Từ “dấy” ở đây thật đắt, chẳng còn từ nào có thể thay thế gợi hơn, cũng như Trịnh đã như 1 phù thủy từ ngữ, biến hóa, ẩn dụ tài tình mà ngẫm lại, ta rợn người vì mức độ “thần sầu” của nó như “Nhìn sâu trong mắt /Và nghe Mưa bão tan đi trong Đại Dương”
Ngoài Trịnh,Dục tính trong tác phẩm ca nhạc cũng ẩn hiện ở 1 số tác phẩm khác như Ngô Thụy Miên đã ước ao “ Cho tôixin em như gối mộng, cho tôi ôm em vào lòng, xin cho 1 lần, cho đêm mặn nồng, yêu thương vợ chồng “ ( Niệm khuc cuối)
Như Vũ Thành An “ MƯA bên chồng, có làm em nhớ những khi mình mặn nồng”
Nhưng chỉ có Trịnh, xen lẫn vào đó là nỗi khắc khoải cho kiếp con người, cho vận mệnh đất nước , cúi xuống “ Cho đam mê thay vào đổ nát quê hương/cho trăm năm ưu phiền phút chốc hư không”
Nhớ có lần, tôi giới thiệu với anh Dũng PT, anh ấy chê thẳng thừng “ thấy gớm !”
Còn nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư ( NNT) đã nhân định sau khi nghe Cúi xuống thật gần “ thấy khỏe người , tâm hồn mỏi mệt của mình đang được sự giản dị nào đó cứu chuộc. Cảm giác gan bàn chân vừa chạm vào mặt đất, hình như vừa tháo giày ra bỏ bên đường.”
Tôi ko thấy gớm như anh Dũng, cũng ko thấy nhẹ người như NNT mà tôi thấy hay và cảm giác nặng nề sau khi nghe trọn bài, khi mà người ta tìm đến nhau, yêu thương nhau để lãng quên nỗi đau khi bị người lừa dối và niềm tin ngày càng lung lay, mai một


Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

MỜI RƯỢU

Uống cạn cùng em chén rượu đầy
Say - cho quên hết chuyện quanh đây
Bên nhau đối ẩm chiều Thu muộn
Thả giọt u sầu xuống chén cay
Uống cạn đi anh , chén rượu nồng
Dù mai, tất cả hóa hư không
Vờn trăng, quyện gió trao thi tứ
Mặc kệ, bên ngoài lắm bão giông
Uống cạn đi anh, uống cả Thu .
Heo may trở gió, dốc sương mù
Rồi mai cách trở, đời đôi ngã
Vẫn nhớ đêm này, đối ẩm Thu .

MẮM KHO QUẸT NGÀY XƯA, AI CÒN NHỚ ?

Saigon bỗng đỗ mưa , thật to, không dưng thèm sao hương vị mắm kho quẹt ngày nào .
,....
Thông tin chị Tư của tôi được phân nhiệm sở về tận Cà Mau làm cả gia đình tôi lo lắng, cứ hình dung ra xứ bùn lầy lắm muỗi mà thương chị vô cùng .
Nhưng thực tế trái ngược , chị về dạy ngay thị xã, gạo trắng nước trong, cuộc sống đủ đầy so với Saigon thời bao cấp, thỉnh thoảng, cửa hàng lương thự c mới bán gạo, còn lại là bo bo, khoai sắn...
Cứ 2, 3 tháng má lạ i về Cà Mau thăm chị, khi má về, chị cụ bị nhiều thực phẩm, lương thự c cho má , nào là những hạt gạo thơm thơm , những hạt nếp deo dẻo, nào là những con tôm càng thật khoẻ, đi cả chặng đường dài, qua 2 phà Mỹ Thuận vă Cần Thơ về đến SG vẫn còn nhảy lách tách..
Và từ những nguyên liệu ấy, bọn tôi có bữa ăn thỏa thê với bát cơm trắng bốc khói cùng mắm kho quẹt chấm rau luộc, no căng vẫn thèm.
Thịt ba chỉ má đem thái sợi to, cho vào cái o đất, xào sơ qua, cho săn lại , rồi sả, tỏi, tôm tươi bóc vỏ, tôm khô cho tiếp vào, sau cùng là chén nứơc mắm cùng với gia vị, bếp lửa cứ liu riu đến khi nước mắm kẹo sệt lại .Má còn bày mẹo cho tôi dùng nước cơm pha với nước mắm sẽ mau kẹo ơ mắm hơn ( má nấu cơm hay chắt bỏ nước )
Mắm kho quẹt ăn với các loại rau củ luộc, vị đượm nước mắm, vị bùi của tôm, thịt cùng vị cay của tiêu, ớt khiến phải hít hà mà ăn.Có lần tôi mang theo lon cơm và hủ nhỏ mắm kho quẹt vào lớp, chẳng là sư phạm Hóa Sinh cực hơn khoa khác, hay có tiết thí nghiệm buổi chiều, mấy đứa bạn xúm lại xin thử 1 miếng, thử riết hết phần ăn của tôi luôn, nhưng vui, cùng ước ao ra trường phân về Cà Mau cũng chị u .
......
SG giờ cũng có mắm kho quẹt hiện diện trong các nhà hàng, nhưng chẳng hiểu sao ko ngon như ơ mắm má kho ngày trước, chị Tư đã về SG dạy , má cứ nằm sống đời thực vật, bạn bè ra trường tứ xứ, còn đâu cái cú đầu của má khi tôi ăn bốc tay, còn đâu đám bạn chụm đầu vét sạch chút mắm sót lại để rồi hít hà, rồi sau đó, nhìn lọ iode trong giờ thi nghiệm mà ơi ới " giống mắm kho quẹt quá, Ngọc ơi, mai đem mắm kho quẹt nha"
( SG, Chiều mưa, nhớ...mắm )

MỘT CHÚT THÔI !



Một chút ngỡ ngàng, một chút tôi .
Hoa chưa thắm sắc, đã phai rồi,
Thềm xưa chẳng kịp bừng hoa nở ,
Mặc sức rêu phong lõa thể phơi !

Một chút dại khờ, một chút tôi .
Gom mây, định kết sợi tơ trời ,
Mơ hoang gói gió về chung lối,
Sặc sụa mưa về, cuốn sạch trôi .

Một chút cam lòng, một chút tôi.
Ân tình, giọt cuối vỡ tan rồi
Nên chăng " điểm phấn tô son lại,
Ngạo với nhân gian một nụ cười " ?***

*** Quên tên tác giả 2 câu này

GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA .



“ Tội nghiệp thằng bé nhớ thương mãi quê nhà, giàn thiên lý đã xa, đã rời xa..”
Giai điệu da diết của bài ” Giàn thiên lý đã xa “ (lời Việt của NS Phạm Duy dịch từ bản tiếng Pháp – Chèvrefeuille Que Tu Es Loin ) thấm đẫm hồn tôi từ thuở bé. Trong suy nghĩ bấy giờ, tôi cứ cho rằng Hoa thiên lý là một kỳ hoa dị thảo mới có sức lay động hồn người như vậy.
Lớn lên, hoc Văn, tôi còn biết loài kỳ hoa dị thảo ấy cũng có ở quê nhà, hiển hiện ở những câu thơ mà tôi quên tên tác giả :
“Nhà tôi ở cuối chân đồi,
Có giàn Thiên lý, có người tôi thương”
“Nhà nàng có cái giậu thưa,
Có giàn Thiên Lý đong đưa hoa vàng .”
Cho đến môt ngày, dì Tư ở quê lên, quà quê là rổ đầy những chùm hoa be bé, xanh xanh, hương nhè nhẹ
- Bông thiên lý đó cô, xào thịt bò hay nấu canh ,ngon lắm.
Ôi mèn ơi, kỳ hoa dị thảo của tôi, cả vòm trời lãng mạn của tôi, giờ…xào thịt bò !
Bữa cơm trưa hôm ấy,má tôi múc 1 chén canh đầy cho ba
- Bông Lý chị tư đem lên, mình ăn đi, cho mát
Và “ mình” ăn thiệt, ăn hết chén, dù ngày thường “mình” rất kén ăn.
Có điều gì đó mà tôi mơ hồ cảm nhận được, sự ân cần của má, sự hài lòng , cảm động của ba, xuất phát từ những bông thiên lý mộc mạc,đời thường
Tôi yêu hoa thiên lý nhiều hơn trước, kể tù hôm ấy. Yêu đến độ thi tốt nghiệp , bên cạnh đề tài ‘ Cracking ankan” cho môn hóa, tôi đã ko do dự chọn “ Hoa thiên lý- giải phẫu hình thái và ứng dụng “, ngày ấy ko có làm luận án, chỉ thi lý thuyết và chọn đề tài thi vấn đáp
Sau khi vặn hỏi tôi quanh kiến thức ,thầy Tân đã buông 1 câu :
- Em từng ăn canh thiên lý
- Dạ chưa . ( tôi than thầm vì cái tội thiệt thà của mình)
- Em từng nấu canh thiên lý cho người thân ?
- Dạ cũng chưa (muốn khóc, tiêu thiệt rồi)
- Vậy sao em chọn đề tài này ?
- Da, vì “nó” nhắc lại kỷ niệm …
Thầy ban cho tôi nụ cười ý nhị , sự thật là vậy, dù không phải loài hoa quý, ngạt ngào sắc hương, nhưng hoa Thiên Lý gắn liền với hình ảnh quê nhà, với những người thân yêu đủ để mỗi khi nâng những chùm hoa be bé, hương nhè nhẹ, ta lại bồi hồi vì bao hoài niệm kéo về
“Tội nghiệp thằng bé nhớ thương mãi quê nhà.., giàn thiên lý đã xa tít mù khơi..”
ôi chao là nhớ, thiên lý ơi….

GÓC PHỐ



Góc phố ấy, có quán cà phê sân vườn .
Quán cà phê thỉnh thoảng thay đổi chủ, mỗi lần thay đổi chủ là có tên gọi mới: Hoa Nắng, Điểm Hẹn..và hiện tại là Nhật Nguyệt.
Không cần lấy thẻ xe, không cần menu, nó là khách quen, luôn đi một mình ,luôn là ban ngày, luôn ngồi ở một góc quán, luôn nhin quanh rồi trầm lặng , cũng như trươc mặt nó, luôn là ly sinh tố mãng cầu.
Hơn 5 phút đi từ trường đến quán, rồi vẫn thời gian ấy từ quán về trường, hơn 30 phút tĩnh lặng trong cái góc nho nhỏ quen thuộc, ngỡ như mọi xô bồ chen lấn , mọi tranh giành danh lợi đã bị gạt bỏ bên ngoài , nó như người trở về mái nhà thân yêu, quen thuộc.
Chẳng phải sao, khi Nhật Nguyệt từng là nhà, là nơi chốn thiên đường chứa đựng bao kỷ niệm của nó và gia đình.
Người chủ mới, nhận nhà nhưng không ở,họ lùi về sau, cho thuê phần lớn diện tích nhà , người thuê luôn sửa sang lại phù hợp với ý tưởng kinh doanh, khoảng sân ngày trước,trải sỏi cứ kêu lạo xạo , lạo xạo là nó biết chú Phi đưa ba nó về, bây giờ đã thiết kế lại thành tiểu đảo, có chiếc cầu nho nhỏ bắc ngang qua .
Nhiều thay đổi lắm, chỉ duy nhất, cây Chuỗi Ngọc vẫn còn , oằn mình gánh những ngọn đèn lập lòe, chớp tắt đủ màu sắc
Đến một ngày, ghé quán, nó sững sờ, Chuỗi Ngọc đâu rồi ? Nhân viên nói là chủ cho chặt đi rồi, giành chỗ để xe khách, hơn nữa hoa cứ rụng lả tả hoài, quét mệt.
Nó với tay lấy kính mát, đeo vào,chẳng ai biết cảm xúc của nó bấy giờ, trừ bàn tay nắm chặt thanh ghế, thư giãn đi, thư giãn nào, không sao đâu mà, không sao mà..
Cái liệu pháp tinh thần "No star where" có lẽ hiệu nghiệm, vì nó lại nghe thoảng bên tai giai điệu trần lắng, da diết phát ra từ chiếc đĩa nó mang theo và nhờ nhân viên mở ra mỗi khi vào quán
“ Bésame, bésame mucho..
Cette chanson d'autrefois je la chante pour toi
Bésame, bésame mucho .
Comme une histoire d'amour qui ne finirait pas .."
Uhm..thì Besame mucho..nó đã vật vã từng ngón tay trên phím đàn- mà chị Ba cứ nhiếc " như mổ cò" , để rồi những hợp âm ấy trở nên dễ dàng khi nhìn phím đàn rung động dưới bàn tay thon thả của chị Hai .
Cứ như thế, nó sống loang choạng giữa hoài niệm và thực tại, từng ngày..........
Hôm đi tảo mộ Ba, nó nói vu vơ "mấy chị, nhà cũ của mình đang sửa lại, nâng cấp gì đó.."
Chị năm " vậy hà, chị ít đi ngang lắm, sợ nhớ rồi buồn"
Chị tư quay sang " có gì mà buồn, mình dọn đi, nhà cũng theo mình luôn tới giờ mà, theo từng chi tiết nhỏ nhất"
Rồi chị đeo kính mát vào, vu vơ " nắng sáng, chói quá'
Chỉ vậy thôi, đủ cho nó ngẩn người, sao dễ dàng như vậy mà nó không nhận ra từ bao năm nay nhỉ

Góc phố ấy, có quán cà phê sân vườn, sáng nay đã vào xuân vói biểu tượng chú Gà vươn cánh đầy khí thế, không gian quán cũng khác, có cả 2 tầng, khách ngồi tầng trên có thê trông bao quát phía tiếp giáp Bắc Hải- Nam Hòa, cả 1 vùng không gian thoáng đãng. Tầng dưới ,tiểu đảo với dòng nước chảy róc rách hòa với hệ thống ánh sáng, âm thanh ( có lẽ cực mạnh vào buổi tối)
Giá mà sát bên tiểu đảo ấy, có cây Chuỗi Ngọc nhỉ, từng cánh hoa vàng ruộm sẽ rơi rơi, sẽ có..
Chậc..lại quên cái kính mát ở nhà rồi, hậu đậu hết sức