Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

HOA NHÀ NGƯỜI










LY CÀ PHÊ ĐẦU TIÊN CÓ MANG VỊ ĐẮNG ?

Em bắt đầu thấy nôn nao, chóng mặt…lâu hết giờ quá, còn những 50 phút .
Sáng nay, cũng như mọi sáng, 3 muỗng cà phê bột, 1 muỗng cacao, châm vài giọt nước sôi cho bột nở, rồi lại châm thêm nước sôi đến 2/3 phin, chờ giọt rơi chậm rãi là đặt lên bàn thờ Ba, nói thầm” Ba ơi, về uống cà phê đi Ba”, vậy thôi, khỏi nhang khói, bái lạy, người nhà, khách sáo làm gì.
Ròi em chợt nhớ sáng nay phải “ ngồi đồng” 3g- 180 phút dễ gì không gật gù với một người thiếu ngủ trầm trọng như em , đã khoác chiếc áo bào chuẩn mực đạo đức mà ngủ gật thì kỳ khôi quá .
Cho nên, thay vì đổ ly caphe sau khi cúng Ba như mọi lần, em nhấp thử 1 ngụm, mong tỉnh táo, đắng quá .
Chao ơi là đắng.........
Ngày xưa, Má không cho con gái uống cà phê, Má nói cũng tiền bạc, công sức sao không uống nước gì đó cho bổ khỏe mà lại di uống thứ nước đen ngòm, em hỏi má ơi, sao con thấy má uống caphe mà, ừ, tại má mệt quá, má cần tỉnh táo để làm việc con à .
Em hiện giờ cũng mệt, cũng cần tỉnh táo, thêm 1 ngụm nữa xem sao, vẫn đắng vô cùng .
Bao người uống ca phê , ly caphe đầu tiên có mang vị đắng ? Có sánh bằng vị đắng mà Người dành tặng riêng em ?

NIỆM KHÚC MƯA .

Saigon mưa rồi , anh !
Từng giọt rơi thương nhớ
Như nỗi niềm trăn trở
Hoài vọng những ngày xanh
Saigon mưa rồi , anh !
Thánh đường, chuông vẫn trỗi
Chim sâu buồn, nép vội
Đợi nắng về, mong manh .
Saigon mưa rồi,anh !
Gót hài xưa phai dấu
Cho nỗi buồn nung nấu
Hóa thành giọt long lanh .

RU EM BỐN MÙA

(Nỗi niềm lắng tự cội nguồn
Vô tình người chạm lại cuồn cuồn dâng
TG :Nguyễn Chu Nhạc)

Anh ru em ngủ gió Xuân sang
Hoa nắng chao nghiêng cánh mai vàng
Lời anh ru quyện vào huơng cốm
Dìu khẽ em vào giấc ngủ ngoan
Anh ru em ngủ nắng Hạ về
Ve sâu hòa điệu nhạc sơn khê
Cánh chuồn trầm lặng bên gốc rạ
Minh chứng tình ta vẹn ước thề
Anh ru em ngủ giọt mưa Thu
Bối rối à ơi,nghẹn sương mù
Lá vàng ngoài ngõ rơi đầy lối
Nhạt nhòa , lấp vấp điệu anh ru
Anh gửi lời ru theo tuyết Đông
Thiên đường phút chốc hóa mênh mông
Anh ru em ngủ, ru em ngủ
Có còn chăng nửa cũng bằng không !


TÌNH DỤC TRONG "CÚI XUỐNG THẬT GẦN" CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

Cúi xuống là để trao yêu thương,như vị linh mục cúi xuống bên con chiên,nhà từ thiện cúi xuống bên những mảnh đời bất hạnh.
“Cúi xuống thật gần”của Trịnh Công Sơn lại khác, cúi xuống chỉ là..cúi xuống .
“Cúi xuống ./ Cho máu ngược dòng/Cho nước sông cạn nguồn / Cho cây khô trên cành trút lá bơ vơ
Cúi xuống/Cho bóng đổ dài /Cho xót xa mặt trời /Cho da thơm trên người nay cũng phôi pha
Cúi xuống / Nghe đời nhấp nhô / Nghe tim rạn vỡ /Nghe trong tuổi nhỏ khóc oà
Cúi xuống/Trên bờ xót xa/Trên cơn lửa đỏ /Trên khuôn mặt đã im lìm
Cúi xuống/Nhìn sâu trong mắt /Và nghe mưa bão tan đi trong đại dương
Cúi xuống /Cho tắt nụ cười / Cho chút da thịt người /Trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang
Cúi xuống /Cúi xuống thật gần /Cho trái tim đập dồn /Cho đam mê thay vào đổ nát quê hương
Cúi xuống /Cúi xuống thật gần /Cho chiếc hôn ngọt nồng /Cho trăm năm ưu phiền phút chốc hư không
Cúi xuống /Cho tình dấy lên/Cho da thịt mềm /Cho cơn mặn nồng ngất lịm
Cúi xuống /Cho đời lãng quên /Cho mây trời chìm /Cho đêm mở hội âm thầm
Cúi xuống /Vùng non xanh mát /Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan”
……….
Khởi đầu bài hát, Trịnh đã viết
“Cúi xuống ./ Cho máu ngược dòng/Cho nước sông cạn nguồn / Cho cây khô trên cành trút lá bơ vơ”
Đúng vậy, khi ta cúi xuống, vòng tuần hoàn đảo ngược, tim ko thể bơm máu nuôi não,nuôi tế bào , sự sống sẽ cạn kiệt, nhưng chẳng phải sao, chết chỉ là kết thúc sự sống này và làm thăng hoa hơn sự sống mới ?
“Cúi xuống /Cho đời lãng quên /Cho mây trời chìm /Cho đêm mở hội âm thầm”
Tại sao mở hội chỉ âm thầm , không cờ hoa kèn trống ? Cần chi rộn ràng như thế, đêm mở hội cho 2 kẻ yêu nhau, chỉ cần Trăng nghiêng che trên cành liễu rũ, gió xào xạc nhẹ cùng những chiếc lá rơi bên thềm cũng đủ lắm rồi mà, đủ cho :
“ tắt nụ cười / Cho chút da thịt người /Trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang”
Cúi xuống, là để trao và nhận yêu thương, vậy tại sao nụ cười lại tắt, có phải chăng vì nụ hôn nồng nàn làm bờ môi khép lại, trần trụi , “tan hoang” cả xác thân cũng chẳng sao có phải vì có 1 người, 1 bóng mát phía trên che lấy ?
“Cúi xuống / Nghe đời nhấp nhô / Nghe tim rạn vỡ /Nghe trong tuổi nhỏ khóc oà”
Cúi xuống, chỉ vậy thôi can chi đến cõi đời ngoài kia nhấp nhô, gập gềnh, có ý kiến cho rằng cứ mặc kệ đời trắng đen thay đổi lẫn lộn, ta cứ việc đón nhận yêu thương từ người, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó là hành động hoan lạc của 2 kẻ yêu nhau , để rồi vỡ òa cảm xúc như trẻ nhỏ
Bởi vậy “ tình dấy lên/Cho da thịt mềm /Cho cơn mặn nồng ngất lịm”
Từ “dấy” ở đây thật đắt, chẳng còn từ nào có thể thay thế gợi hơn, cũng như Trịnh đã như 1 phù thủy từ ngữ, biến hóa, ẩn dụ tài tình mà ngẫm lại, ta rợn người vì mức độ “thần sầu” của nó như “Nhìn sâu trong mắt /Và nghe Mưa bão tan đi trong Đại Dương”
Ngoài Trịnh,Dục tính trong tác phẩm ca nhạc cũng ẩn hiện ở 1 số tác phẩm khác như Ngô Thụy Miên đã ước ao “ Cho tôixin em như gối mộng, cho tôi ôm em vào lòng, xin cho 1 lần, cho đêm mặn nồng, yêu thương vợ chồng “ ( Niệm khuc cuối)
Như Vũ Thành An “ MƯA bên chồng, có làm em nhớ những khi mình mặn nồng”
Nhưng chỉ có Trịnh, xen lẫn vào đó là nỗi khắc khoải cho kiếp con người, cho vận mệnh đất nước , cúi xuống “ Cho đam mê thay vào đổ nát quê hương/cho trăm năm ưu phiền phút chốc hư không”
Nhớ có lần, tôi giới thiệu với anh Dũng PT, anh ấy chê thẳng thừng “ thấy gớm !”
Còn nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư ( NNT) đã nhân định sau khi nghe Cúi xuống thật gần “ thấy khỏe người , tâm hồn mỏi mệt của mình đang được sự giản dị nào đó cứu chuộc. Cảm giác gan bàn chân vừa chạm vào mặt đất, hình như vừa tháo giày ra bỏ bên đường.”
Tôi ko thấy gớm như anh Dũng, cũng ko thấy nhẹ người như NNT mà tôi thấy hay và cảm giác nặng nề sau khi nghe trọn bài, khi mà người ta tìm đến nhau, yêu thương nhau để lãng quên nỗi đau khi bị người lừa dối và niềm tin ngày càng lung lay, mai một


Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

MỜI RƯỢU

Uống cạn cùng em chén rượu đầy
Say - cho quên hết chuyện quanh đây
Bên nhau đối ẩm chiều Thu muộn
Thả giọt u sầu xuống chén cay
Uống cạn đi anh , chén rượu nồng
Dù mai, tất cả hóa hư không
Vờn trăng, quyện gió trao thi tứ
Mặc kệ, bên ngoài lắm bão giông
Uống cạn đi anh, uống cả Thu .
Heo may trở gió, dốc sương mù
Rồi mai cách trở, đời đôi ngã
Vẫn nhớ đêm này, đối ẩm Thu .

MẮM KHO QUẸT NGÀY XƯA, AI CÒN NHỚ ?

Saigon bỗng đỗ mưa , thật to, không dưng thèm sao hương vị mắm kho quẹt ngày nào .
,....
Thông tin chị Tư của tôi được phân nhiệm sở về tận Cà Mau làm cả gia đình tôi lo lắng, cứ hình dung ra xứ bùn lầy lắm muỗi mà thương chị vô cùng .
Nhưng thực tế trái ngược , chị về dạy ngay thị xã, gạo trắng nước trong, cuộc sống đủ đầy so với Saigon thời bao cấp, thỉnh thoảng, cửa hàng lương thự c mới bán gạo, còn lại là bo bo, khoai sắn...
Cứ 2, 3 tháng má lạ i về Cà Mau thăm chị, khi má về, chị cụ bị nhiều thực phẩm, lương thự c cho má , nào là những hạt gạo thơm thơm , những hạt nếp deo dẻo, nào là những con tôm càng thật khoẻ, đi cả chặng đường dài, qua 2 phà Mỹ Thuận vă Cần Thơ về đến SG vẫn còn nhảy lách tách..
Và từ những nguyên liệu ấy, bọn tôi có bữa ăn thỏa thê với bát cơm trắng bốc khói cùng mắm kho quẹt chấm rau luộc, no căng vẫn thèm.
Thịt ba chỉ má đem thái sợi to, cho vào cái o đất, xào sơ qua, cho săn lại , rồi sả, tỏi, tôm tươi bóc vỏ, tôm khô cho tiếp vào, sau cùng là chén nứơc mắm cùng với gia vị, bếp lửa cứ liu riu đến khi nước mắm kẹo sệt lại .Má còn bày mẹo cho tôi dùng nước cơm pha với nước mắm sẽ mau kẹo ơ mắm hơn ( má nấu cơm hay chắt bỏ nước )
Mắm kho quẹt ăn với các loại rau củ luộc, vị đượm nước mắm, vị bùi của tôm, thịt cùng vị cay của tiêu, ớt khiến phải hít hà mà ăn.Có lần tôi mang theo lon cơm và hủ nhỏ mắm kho quẹt vào lớp, chẳng là sư phạm Hóa Sinh cực hơn khoa khác, hay có tiết thí nghiệm buổi chiều, mấy đứa bạn xúm lại xin thử 1 miếng, thử riết hết phần ăn của tôi luôn, nhưng vui, cùng ước ao ra trường phân về Cà Mau cũng chị u .
......
SG giờ cũng có mắm kho quẹt hiện diện trong các nhà hàng, nhưng chẳng hiểu sao ko ngon như ơ mắm má kho ngày trước, chị Tư đã về SG dạy , má cứ nằm sống đời thực vật, bạn bè ra trường tứ xứ, còn đâu cái cú đầu của má khi tôi ăn bốc tay, còn đâu đám bạn chụm đầu vét sạch chút mắm sót lại để rồi hít hà, rồi sau đó, nhìn lọ iode trong giờ thi nghiệm mà ơi ới " giống mắm kho quẹt quá, Ngọc ơi, mai đem mắm kho quẹt nha"
( SG, Chiều mưa, nhớ...mắm )

MỘT CHÚT THÔI !



Một chút ngỡ ngàng, một chút tôi .
Hoa chưa thắm sắc, đã phai rồi,
Thềm xưa chẳng kịp bừng hoa nở ,
Mặc sức rêu phong lõa thể phơi !

Một chút dại khờ, một chút tôi .
Gom mây, định kết sợi tơ trời ,
Mơ hoang gói gió về chung lối,
Sặc sụa mưa về, cuốn sạch trôi .

Một chút cam lòng, một chút tôi.
Ân tình, giọt cuối vỡ tan rồi
Nên chăng " điểm phấn tô son lại,
Ngạo với nhân gian một nụ cười " ?***

*** Quên tên tác giả 2 câu này

GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA .



“ Tội nghiệp thằng bé nhớ thương mãi quê nhà, giàn thiên lý đã xa, đã rời xa..”
Giai điệu da diết của bài ” Giàn thiên lý đã xa “ (lời Việt của NS Phạm Duy dịch từ bản tiếng Pháp – Chèvrefeuille Que Tu Es Loin ) thấm đẫm hồn tôi từ thuở bé. Trong suy nghĩ bấy giờ, tôi cứ cho rằng Hoa thiên lý là một kỳ hoa dị thảo mới có sức lay động hồn người như vậy.
Lớn lên, hoc Văn, tôi còn biết loài kỳ hoa dị thảo ấy cũng có ở quê nhà, hiển hiện ở những câu thơ mà tôi quên tên tác giả :
“Nhà tôi ở cuối chân đồi,
Có giàn Thiên lý, có người tôi thương”
“Nhà nàng có cái giậu thưa,
Có giàn Thiên Lý đong đưa hoa vàng .”
Cho đến môt ngày, dì Tư ở quê lên, quà quê là rổ đầy những chùm hoa be bé, xanh xanh, hương nhè nhẹ
- Bông thiên lý đó cô, xào thịt bò hay nấu canh ,ngon lắm.
Ôi mèn ơi, kỳ hoa dị thảo của tôi, cả vòm trời lãng mạn của tôi, giờ…xào thịt bò !
Bữa cơm trưa hôm ấy,má tôi múc 1 chén canh đầy cho ba
- Bông Lý chị tư đem lên, mình ăn đi, cho mát
Và “ mình” ăn thiệt, ăn hết chén, dù ngày thường “mình” rất kén ăn.
Có điều gì đó mà tôi mơ hồ cảm nhận được, sự ân cần của má, sự hài lòng , cảm động của ba, xuất phát từ những bông thiên lý mộc mạc,đời thường
Tôi yêu hoa thiên lý nhiều hơn trước, kể tù hôm ấy. Yêu đến độ thi tốt nghiệp , bên cạnh đề tài ‘ Cracking ankan” cho môn hóa, tôi đã ko do dự chọn “ Hoa thiên lý- giải phẫu hình thái và ứng dụng “, ngày ấy ko có làm luận án, chỉ thi lý thuyết và chọn đề tài thi vấn đáp
Sau khi vặn hỏi tôi quanh kiến thức ,thầy Tân đã buông 1 câu :
- Em từng ăn canh thiên lý
- Dạ chưa . ( tôi than thầm vì cái tội thiệt thà của mình)
- Em từng nấu canh thiên lý cho người thân ?
- Dạ cũng chưa (muốn khóc, tiêu thiệt rồi)
- Vậy sao em chọn đề tài này ?
- Da, vì “nó” nhắc lại kỷ niệm …
Thầy ban cho tôi nụ cười ý nhị , sự thật là vậy, dù không phải loài hoa quý, ngạt ngào sắc hương, nhưng hoa Thiên Lý gắn liền với hình ảnh quê nhà, với những người thân yêu đủ để mỗi khi nâng những chùm hoa be bé, hương nhè nhẹ, ta lại bồi hồi vì bao hoài niệm kéo về
“Tội nghiệp thằng bé nhớ thương mãi quê nhà.., giàn thiên lý đã xa tít mù khơi..”
ôi chao là nhớ, thiên lý ơi….

GÓC PHỐ



Góc phố ấy, có quán cà phê sân vườn .
Quán cà phê thỉnh thoảng thay đổi chủ, mỗi lần thay đổi chủ là có tên gọi mới: Hoa Nắng, Điểm Hẹn..và hiện tại là Nhật Nguyệt.
Không cần lấy thẻ xe, không cần menu, nó là khách quen, luôn đi một mình ,luôn là ban ngày, luôn ngồi ở một góc quán, luôn nhin quanh rồi trầm lặng , cũng như trươc mặt nó, luôn là ly sinh tố mãng cầu.
Hơn 5 phút đi từ trường đến quán, rồi vẫn thời gian ấy từ quán về trường, hơn 30 phút tĩnh lặng trong cái góc nho nhỏ quen thuộc, ngỡ như mọi xô bồ chen lấn , mọi tranh giành danh lợi đã bị gạt bỏ bên ngoài , nó như người trở về mái nhà thân yêu, quen thuộc.
Chẳng phải sao, khi Nhật Nguyệt từng là nhà, là nơi chốn thiên đường chứa đựng bao kỷ niệm của nó và gia đình.
Người chủ mới, nhận nhà nhưng không ở,họ lùi về sau, cho thuê phần lớn diện tích nhà , người thuê luôn sửa sang lại phù hợp với ý tưởng kinh doanh, khoảng sân ngày trước,trải sỏi cứ kêu lạo xạo , lạo xạo là nó biết chú Phi đưa ba nó về, bây giờ đã thiết kế lại thành tiểu đảo, có chiếc cầu nho nhỏ bắc ngang qua .
Nhiều thay đổi lắm, chỉ duy nhất, cây Chuỗi Ngọc vẫn còn , oằn mình gánh những ngọn đèn lập lòe, chớp tắt đủ màu sắc
Đến một ngày, ghé quán, nó sững sờ, Chuỗi Ngọc đâu rồi ? Nhân viên nói là chủ cho chặt đi rồi, giành chỗ để xe khách, hơn nữa hoa cứ rụng lả tả hoài, quét mệt.
Nó với tay lấy kính mát, đeo vào,chẳng ai biết cảm xúc của nó bấy giờ, trừ bàn tay nắm chặt thanh ghế, thư giãn đi, thư giãn nào, không sao đâu mà, không sao mà..
Cái liệu pháp tinh thần "No star where" có lẽ hiệu nghiệm, vì nó lại nghe thoảng bên tai giai điệu trần lắng, da diết phát ra từ chiếc đĩa nó mang theo và nhờ nhân viên mở ra mỗi khi vào quán
“ Bésame, bésame mucho..
Cette chanson d'autrefois je la chante pour toi
Bésame, bésame mucho .
Comme une histoire d'amour qui ne finirait pas .."
Uhm..thì Besame mucho..nó đã vật vã từng ngón tay trên phím đàn- mà chị Ba cứ nhiếc " như mổ cò" , để rồi những hợp âm ấy trở nên dễ dàng khi nhìn phím đàn rung động dưới bàn tay thon thả của chị Hai .
Cứ như thế, nó sống loang choạng giữa hoài niệm và thực tại, từng ngày..........
Hôm đi tảo mộ Ba, nó nói vu vơ "mấy chị, nhà cũ của mình đang sửa lại, nâng cấp gì đó.."
Chị năm " vậy hà, chị ít đi ngang lắm, sợ nhớ rồi buồn"
Chị tư quay sang " có gì mà buồn, mình dọn đi, nhà cũng theo mình luôn tới giờ mà, theo từng chi tiết nhỏ nhất"
Rồi chị đeo kính mát vào, vu vơ " nắng sáng, chói quá'
Chỉ vậy thôi, đủ cho nó ngẩn người, sao dễ dàng như vậy mà nó không nhận ra từ bao năm nay nhỉ

Góc phố ấy, có quán cà phê sân vườn, sáng nay đã vào xuân vói biểu tượng chú Gà vươn cánh đầy khí thế, không gian quán cũng khác, có cả 2 tầng, khách ngồi tầng trên có thê trông bao quát phía tiếp giáp Bắc Hải- Nam Hòa, cả 1 vùng không gian thoáng đãng. Tầng dưới ,tiểu đảo với dòng nước chảy róc rách hòa với hệ thống ánh sáng, âm thanh ( có lẽ cực mạnh vào buổi tối)
Giá mà sát bên tiểu đảo ấy, có cây Chuỗi Ngọc nhỉ, từng cánh hoa vàng ruộm sẽ rơi rơi, sẽ có..
Chậc..lại quên cái kính mát ở nhà rồi, hậu đậu hết sức

" MỘNG TRÙNG LAI KHÔNG CÓ TRÊN ĐỜI" Bùi Giáng .



Guillaume Apollinaire (1880-1918) thi hào Pháp nổi tiếng sống vào đầu thế kỷ XX , ống viết nhiều nhưng cả thế giới chỉ nhớ mỗi tuyệt tác L’Adieu
L’Adieu
J ai cueilli ce brin de bruyère
L automne est morte souviens-t en
Nous ne nous verrons plus sur ter
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t attends
Và nhà thơ Bùi Giáng đã dịch như sau :
LỜI VĨNH BIỆT
Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng đựợc nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó ...
Năm 1965 ,Nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác bài
MÙA THU CHẾT

Có nhiều ý kiến cho rằng Phạm Duy đã phổ nhạc từ bản dịch của Bùi Giáng, 1 số khác phản đối vì chỉ có 2 câu đầu là giống nhau , nhưng nều đọc và ngẫm , ta đã thấy ngay từ câu đầu đã có sự
khác biệt
Nhà thơ Bùi Giáng thì “ ta đã hái nhành lá cây thạch thảo” còn nhạc sĩ lại “ta ngắt đi một cụm hoa thạch thào”.cây thạch thảo của nhà thơ phải vươn người lên mà “hái”, còn thạch thảo của nhạc sĩ nchỉ cần cúi xuống mà “ngắt ‘lấy., thế nhưng với từ “ brin de bruyere” – nhánh cây bruyere- thì nhà thơ BG dịch sát nghĩa hơn
Tại sao L’Adieu, tại sao Lời Vĩnh biệt, tại sao Mùa Thu chết và loài hoa bruyère trong L’Adieu và hoa Thạch Thảo của Phạm Duy và Bùi Giáng là 1 hay khác nhau ?
-Hoa Thạch Thảo của Bùi Giáng và Phạm Duy thuộc họ Cúc, còn gọi là Cúc Cánh mối hay Cúc Thạch Thảo, thân thảo, hoa mọc thành cụm

-Hoa bruyère của Apollinaire thuộc họ Đỗ Quyên, thân mộc, hoa mọc thành nhánh., cũng là loài hoa xuất hiện trong thuyết Đồi Gió Hú của Emily Bronte



Hoa Thạch Thảo thường nở bừng vào cuối Thu nên khi “ngắt” hay “hái” hay “L automne est morte souviens-t en” cũng đồng nghĩa với Thu sắp tàn hay đã chết .
Nhưng mùa đến rồi đi theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên, chỉ có tình yêu đôi lứa đã mất đi thì chắc chắn“ mộng trùng lai ‘ ko có ở trên đời “ hay “Nous ne nous verrons plus sur ter “ !
Tại sao lại có sự tuyệt vọng như vậy ,vì do địa lý cách ngăn, do duyện phận chẳng thể sánh đôi hay là do âm dương cách biệt ?
Chúng ta thường nghe “ trái đất tròn”, hay “ tình cũ không rủ..”nên “mộng trùng lai “ có thể thành hiện thực, nhưng chắc rằng đa phần là thất vọng cho cả đôi bên, đâu rồi em thuở ấy, đâu rồi anh ngày xưa, nồng nàn khờ dại ? Ta mong chờ “trùng lai” với người và kỷ niệm xưa chứ nào phải những phũ phàng thực tế .
Vì vậy, chẳng gì đau buồn hơn khi chấp nhận sự chuẩn xác của câu “mộng trùng lai ko có được trên đời
Trong sử thi Hy Lạp, khi Euridice – vợ sắp cưới của Opheus lâm bệnh rồi mất, Orpheus đã cùng cây đàn lyre ngân lên
Số phận đẩy chúng ta lìa nhau.
Vĩnh biệt Hạnh phúc trần gian
Hy Vọng Gặp gỡ trong cái Chết
Và Orpheus đã xuống địa phủ thật sự, xin Diêm vương cho Euridice được cùng về trần gian, yêu cầu của O. được chấp thuận với điều kiện O. đi trước và ko được ngoái lại phía sau, lúc đầu chàng thực hiện như vậy nhưng càng về sau, vì ko nghe tiếng bước chân và hơi thờ của Eurydice, O. quay đầu lại và thế là “ mộng trùng lai ko hề có trên đời”
Như vậy, có sai ko khi nghĩ dù yêu nhau đến mấy,nghị lực níu kéo đến mấy thì ngoài duyên, còn có phận, có định mệnh, có an bài..
Cuối bài thơ L’Adieu hay bản dịch của Bùi Giang và cả ca từ của Phạm Duy, có gì đó mâu thuẫn, khi đã tuyệt vọng, khi đã vĩnh biệt mà sao lại “Et souviens-toi que je t attends “ , sao lại “ nhớ cho rằng ta vẫn chờ em “?
Có lẽ “mộng trùng lai” vẫn đến, trong hoài niệm, trong giấc mơ , trong nhàn nhạt buổi tàn thu nào đó
Với 1 tình yêu nồng nàn, 1 nỗi nhớ đầy quay quắt thì thời gian chờ đợi chẳng là gì
Như nhà thơ Đoàn Phú Tứ cho rằng :
Màu thời gian không xanh,
Màu thời gian tím ngát.
Hương thời gian không nồng,
Hương thời gian thanh thanh.
Còn bộ ba của chúng ta :G. Apollinaire , Bùi Giáng và Phạm Duy quan niệm thời gian có hương vị của mùa thu nhung nhớ :” ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo “
Vâng, theo thời gian, giấc mộng trùng lai sẽ đến như ta mong đợi
Cám ơn những âm điêu nồng nàn, da diết của bài thơ lẫn bài hát, cho ta cảm thấy ấm lòng vì sự đồng cảm ngọt ngào trong thơ ca không biên giới , cho ta thấy nỗi đau trờ nên nhẹ nhàng vì “ mộng trùng lai ko có được trên đời “ ko hề có “ vùng cấm “ .