Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

SAIGON " BẠC XỈU"

Những ngày chấm thi, bộ phận phục vụ đưa giấy đăng ký thức uống giữa giờ, hay khi vào quán, tôi đều thử đưa lựa chọn “ Bạc Xỉu”, kết quả đa phần là nhận được..ly cà phê sữa đá.
Bạc xỉu, không phải là cà phê sữa đá đâu ạ
Saigon xa xưa,có những “tiệm” do người Hoa mở ra, gọi là tiệm nước cũng được mà tiệm ăn cũng không sai, vì ở những tiệm này,bán từ mì,bánh bao, bánh mì, xíu mại..đến chanh muối, nước ngọt, trà đá, cà phê, bia con cọp...
Với cách kinh doanh như vậy,đến 1 mình, 2 mình hay cả gia đình đều được phục vụ như ý muốn, ta không phải ngồi săm soi menu rồi hỏi ý người đi cùng, nhân viên cũng không phải kiên nhẫn đứng chờ với cuốn sổ và cây bút trên tay (để rồi nhiều khi đi mất hút nhằm thử thách lòng kiên nhẫn của khách)
Mà ta vào quán, tự kéo ghế, ngay lập tức có anh phổ ky với cái khăn thấy” gúm”vắt trên vai, ta cũng ngay lập tức (ví dụ)”cho ly cà phê đen , ly bạc xỉu”, Phổ ky đại hiệp liền la lớn:
-Một xây chừng, một bạc tẩy xỉu phé
Vậy “ xây chừng” là cà phê đen , bạc tẩy xỉu phé là..bạc xỉu
Ly bạc xỉu được mang ra, không màu đen như cà phê, không trắng như sữa, không nâu như cà phê sữa mà mang 1 màu sắc rất ..bạc xỉu, do chỉ pha nhiều sữa đặc và rất ít cà phê
Nhưng đừng tưởng cứ cho nhiều sữa và ít cà phê là đã ra ly bạc xỉu, phải có 1 tỷ lệ nào đó, có người nói tỷ lệ cà phê với sữa là 1/8, có người nói 1/10, có người nói..
Khi mà người chồng, người cha đưa vợ hay con đến “tiệm”biết vợ hay con quá ngán sợ mùi sữa, nên gọi bạc xỉu hay tự tay san sẻ vài muỗng cà phê từ ly của mình sang ly sữa của vợ hay con gái, vô tình tạo ra ly bạc xỉu, ly bạc xỉu đó đã hàm chứa 1 tỷ lệ chẳng gì chuẩn hơn., tỷ lệ của yêu thương, hạnh phúc
Chính vì vậy, mà ngay khi mở đề thi Ngữ Văn vừa qua, có câu “ Có phải ngọt ngào luôn tạo ra yêu thương?” tôi liền nhớ ngay hương vị của ly bạc xiủ đang dần trở thành cổ tích giữa Saigon

CHUYỆN NGHỀ 1

Có lần tui đọc được câu nói "Đa số người ta chết từ 25 tuổi nhưng đến 70 mới thực sự đem chôn"
Xạo !Vì 25 tuổi, tui ra trường 2 năm,nhiệt huyết tràn đầy, công tác gì cũng tham gia hết á.
Cũng thời gian đó, tui và ông thầy dạy Toán có biểu hiện " cưa cẩm nhau', nếu có học sinh cá biệt thì ông này là gv cá biệt, như nghỉ lễ mấy ngày, tui nói" nghỉ ở nhà nhớ trường quá" thì ổng lại trợn mắt" trời, nghỉ ở nhà mừng muốn chết chứ nhớ nhung gì"
Ổng thích chuồn về sớm, thích né việc và cũng thích..rủ tui" đi uống nước hôn ?' dù nhiều lần tui cũng từ chối " uống nước hả, thôi, nhà Ngọc có cả lu"
Rồi 20/11, công đoàn phát động mỗi giáo viên viết 1 bài báo tường, tui đã nộp bài này nè :
NÓI VỚI ANH
Anh thường trách sao em hay từ chối
Không gặp anh những chiều phố đông người
Không bao giờ có được phút thảnh thơi
Để ta hưởng một ngày vui trọn vẹn
Nhưng anh ơi, có khi nào biết đến
Em vào nghề với tất cả đam mê
Không ngại ngùng, không tính toan, khen , chê
Em thực sự yêu người, yêu nghề giáo
Nếu trong quán cà phê, bên ngọn đèn mờ ảo
Ta nhìn nhau ánh mắt nói hơn lời
Thì chạnh lòng, em sẽ nhớ, anh ơi
Hoc trò em, giờ còn đang ngoài phố
Đang phụ lo gia đình từng bữa chợ
Để sáng mai ngồi gắng gượng ôn bài
Chịu nhọc nhắn để đổi lấy tuơng lai
Thì có lý đâu, em đành lòng cho được
Bước đên trường, vở bài không soạn trước
Giá án dở dang, hoc cụ chẳng hoàn thành
Nên hiểu em mà đừng trách nhé anh
Cùng vui với em bên trang giáo án
Cùng chia sẻ với em những buồn vui bên bục giảng
Như ngày đầu, anh đã nói với em
" anh cũng vậy, anh rất yêu nghề giáo"
Sau đó, chị Hà, Bí thư chi đoàn nói riêng với tui
- Làm giùm chị 1 bài đi, chị không biết làm, mà không nộp ,kỳ quá
Vậy là quá sai trái, phải ko ạ, mà sao ngày đó, tui hổng biết..đấu tranh cho lẽ phải, nói theo chị năm thì tui đúng là người ' khôn nhà dại chợ", tui hì hục làm cho chỉ bài này
Sáng nay em đến lớp
Dạy bài hoc đầu tiên
Nghe trái tim thầm nhắc
Cô giáo- người mẹ hiền
Bục giảng, em nhìn xuống
Bao ánh mắt ngây thơ
Háo hức chờ kiến thức
Ai đâu nỡ hững hờ
Yêu đời, em hát ca
Yêu người, em trồng hoa
Tiếng hát nào vang vọng
Giữa lòng em. thiết tha.
Tui kêu chị Hà tự đặt đề, tự ký tên , tự đi gửi..
Báo tường gửi đi, có 1 bài được chọn vào đặc san Quận với nhuận bút 200 đồng, đó là bài "sáng nay em đến lớp"( d/c chị Hà lười đến mức lấy luôn câu đầu làm tên bài luôn)
200 đồng, khiến chị Hà cười hoài, vì buồn cười thiệt và đuơng nhiên, tui-khôn nhà dại chợ -cũng cười, vì vui thiệt, 2 chị em ra quán hủ tíu gần trường ăn hết trơn số tiền
Đầu năm học sau, chị Hà chuyển sang làm Vip Ban chăm sóc bà mẹ và trẻ em Quận, rồi 20/11, cũng phát động báo tường, tui cũng nộp bài đúng thời hạn, nhưng chủ tịch công đoàn gọi tui nói riêng
-Ngọc à, em làm thơ chưa hay lắm, nhưng có hồn (?), em nên phát huy nha, bài do mình sáng tác dù dở cũng có giá trị hơn dùng bài của người khác, em hiểu ko?
- ???
- Bài thơ này, chị nhớ của Thanh Hà mà, em làm vậy ko được, nếu ko thể sáng tác thì em ghi vào bên dưới là bài sưu tầm, mong em rút kinh nghiệm viêc này, đừng tái phạm nữa
Từ khi đó, câu nói " người ta đa số chết lúc 25 tuổi..." hết xạo , mọi người à
Hu hu.

ĐỌC VÀ NGẪM: GỬI CHÚT HƯƠNG CHO ĐỜI CỦA T/G VŨ VIỆT HÙNG

  Vừavqua, anh Vũ Việt Hùng- người anh ở BTV gửi tặng tôi 2 tập thơ : Gửi Lại Chút Hương Đời và Đất Nước Mến Yêu
Nếu anh chị em bạn hữu nào chưa từng biết đến anh, thì qua 2 tập thơ này, hẳn cũng hình dung ra anh tương đối rõ nét
Về độ tuổi : “ Canh Dần Bình Mộc tuổi ấy mà “
Thời thanh niên cuả anh tràn đầy nhiệt huyết
“ Sông núi thân trai đường vạn nẻo
Sự nghiệp công danh nỗi như cồn”
Thì bỗng đâu tai ương đổ đến:
“Không may tai nạn số tiêu điều
Chín mốt phần trăm, phận hắt hiu
Liệt cả tứ chi nằm 1 chỗ
Âm thầm lặng lẽ sống cô liêu “ ( Tự bạch – tr 286 )
Sức khỏe như vậy khiến tinh thần anh cũng bị ảnh hưởng
“ Việc nhà việc cửa ko lo được
Uất nghẹn đau thương chỉ than trời “
Với trạng thái tinh thần như vậy, mọi vật mọi việc dưới mắt anh hình như cũng buồn lây :
“ Sương khuya kéo đến tràn che phủ
Khoí xám theo về, ngập bủa giăng “ (Đêm Nguyên Tiêu – tr 60)
Đôi khi nỗi tuyệt vọng đã khiến anh từng đêm thao thức “ Khuya về thao thức dứt canh thâu / Vài ly độc ẩm thêm hờn tủi “ ( Rượu đắng – tr 96) và thường tự dằn vật lấy mình :
“ Là tôi một kẻ ngu đần
Là tôi ngồi đếm nợ nần trả vay “-
Nhưng – cuộc đời đôi khi bi kịch đến từ chữ “ nhưng “, với anh, lại khác- Nhưng với nghị lực sẳn có ở người con xứ Quảng “ Cần cù, nhẫn nại lại tham học hành – tr 375- cùng với tình yêu thủy chung vô bờ bến của chị dành cho anh, anh bắt đầu sống cuộc đời mới
‘Sống đẹp nêu gương tâm sáng ngời
Yêu thương san sẻ khắp muôn nơi
Nghĩa nhân đạo lý luôn gìn giữ
Sống khỏe sống vui thật tuyệt vời (Lẽ sống trên đời – tr 233)
Như nhà thơ người Anh Francis Quales đã viết “ Nếu số phận chia cho bạn những quân bài xấu, hãy cố gắng là người chơi bài giỏi ‘
Vâng, anh đã nhận những quân bài quá xấu, nhưng anh đã chứng minh anh chơi bài ko tồi, anh đã biến những “ quân bài” xấu ấy thành lợi thế trên “ván bạc cuộc đời “, anh có nhiều thời gian hơn để phát hiện những điều tuyệt vời từ cảnh vật, từ thiên nhiên mang lại
“ Màn đêm buông, gió theo trăng hôn gối
Bóng trăng khuya gờn gợn khắp căn phòng”
Anh cũng chiêm nghiệm nhiều vấn đề trong cuộc sống , từ tình người, tình bạn chỉ xây dựng trên cơ sở niềm tin, chân thành
“Vui quá bạn bè nhớ đến mình
Khổ đau bệnh tật chẳng hề khinh
Thật lòng san sẻ tròn ân nghĩa
Hết dạ sớt chia vẹn lý tình “ ( Mừng bạn thăm nhà – tr 212)
Đến cả những vấn nạn quốc gia, giáo dục, y tế.. từng con chữ khắc khoải hiện rõ trong thơ của anh
Nhưng trên tất cả và xúc động trào dâng hơn tất cả, là tình yêu anh chị dành cho nhau, qua bài “ Đôi dép và tình nghĩa vợ chồng- tr 362 )
“ hai chiếc dép chưa 1 lần gặp gỡ
Cũng chưa nói với nhau 1 tiếng bao giờ
….
Không rời nhau và mãi mãi chung đôi
Nếu trở ngại, có 1 người bị hại
Thì người kia cũng nằm lại bên đường “
Tình yêu ấy. đã khiến anh lạc quan hơn, thơ của anh ngày càng thăng hoa, đủ đầy cung bậc cảm xúc và các thể loại.
Như vậy, với chủ đề tập thơ “ Gửi Lại Chút Hương Đời” , anh Vũ Việt Hùng đã gửi cho đời, cho chúng ta thấm đẫm hương thơm ngát, hương của niềm tin, của nghị lực, của chân thành, của tình yêu thiên nhiên, cảnh vật và con người
Sẽ thảo mai vô cùng nếu chỉ toàn là những lời khen tặng, vuốt ve hão huyền, ngoài nội dung , trang bìa tập thơ được thiết kế trang nhã, đúng nội dung chủ đề nhưng tập thơ sẽ hoàn chỉnh nếu sắp xếp , trình bày ngắn gọn hơn, như lời giới thiệu chỉ cần cô đọng 1 trang là đủ, phần cảm nhận của thi hữu nên ở những trang cuối tập thơ,phần xướng họa cũng nên gom vào 1 chương hay in ấn ở tập thơ mới , hình ảnh minh họa ko cần nhiều, chỉ chọn 1 hình mang nét đặc trưng, như bài viết về SG chỉ cần mnh họa bằng hình Chợ Bến Thành hay nhà thờ Đức Bà, cần thêm hình ảnh cá nhân cuả anh VVH khi ngồi gõ bàn phím làm thơ, ghi cảm nhận cho mọi người, để bạn đọc hình dung rõ hơn về anh
Ngoài ra, còn vài tiểu tiết ko đáng kể như lỗi gõ, thiếu dấu câu hay hàng chữ cuối phần tự bạch của anh “ Vũ Việt Hùng chấp bút”, theo tôi, từ “ chấp bút” chưa ổn vì đây là thơ của anh, anh ko hề viết theo lời kể hay chỉ đạo nào mà phải “ chấp bút”, Còn dùng từ nào thay thế, có lẽ anh và BBT hiểu rõ hơn tôi
Cuối cùng, tôi tin chắc rằng ko những tôi mà bất cứ ai khi nhận 2 tập thơ của anh đều bồi hồi, cảm xúc, cám ơn anh , cám ơn BBT đã hoàn thành“ Gửi Lại Chút Hương Đời” và tôi cũng tin rằng, theo sự chuẩn xác của thuyết chuyển động bên Vật lý, “ chút hương” ấy sẽ lan tỏa ko ngừng
Riêng với BBT, xin gửi đến các anh chị tình cảm yêu mến chân thành “ bàn tay trao cho người cành hồng thì luôn còn vương vấn hương thơm “
Thân ái !

ĐỌC VÀ NGẪM 4: CHỈ LỬA LÀ RẤT THẬT CỦA T/G NGUYỄN CHU NHẠC

( Năm lớp 6, thầy dạy Ngữ Văn của tôi có bảo " trước 1 cô gái, 1 bức tranh, 1 khúc gỗ, tùy tâm trạng, vốn sống mà người ta có những cảm nhận khác nhau " , bài viết dưới đây xin thưa trước không phải là bài bình luận hay giới thiệu mà chỉ viết về sự phát hiện và cảm nhận của cá nhân , xung quanh " ngọn lửa thật " ấy, nếu có thể, rất mong ý kiến đóng góp của mọi người, đôi khi ta hoc được nhiều điều qua sự đóng góp ấy. Mến,)
Đối với một người hơn 30 năm gắn liền với hóa chất,ống nghiệm như tôi thì “lửa “chỉ là kết quả xúc tác của các nguyên tố hóa học, duy trì nhờ Oxi và tắt lịm với CO2.Đơn giản chỉ là như vậy
Cho nên , tên tập thơ” Chỉ lửa là rất thật” của nhà thơ , nhà báo Nguyễn Chu Nhạc đã gợi lên biết bao thắc mắc, tò mò, để rồi vỡ òa trong tôi biết bao cảm xúc.
“ Chỉ lửa là rất thật”, đó là ngọn lửa được nhen lên từ khi “ Em một thời má đỏ’ còn ta “ vờ ngó vầng trăng "(chỉ lửa là rất thật ), xa nhau rồi ,ngọn lửa ấy vẫn đượm âm thầm , dù đã cố gắng " Dửng dưng, ta thử dửng dung / Những gì gần gũi đã từng bên ta “(Dửng dưng ), nhưng chẳng thể nào thực hiện được vì” một giọt nước cũng nên sông /một từ cũng đủ rủ mong nhớ về “ (Một-tr 89)
. Ngọn lửa rất thật ấy đã thổi bùng nỗi nhớ “ Giữa bộn bề công việc / Sao ta lại nhớ người/Chẳng thể nào khác được, nỗi nhớ hóa trêu ngươi “ (Nhớ trong ta lại đầy – Tr 109)
Nếu như nhạc sĩ Vũ Thành An viết ‘ Nhớ em nhiều, nhưng chẳng nói, nói ra thì cũng vậy thôi ' thì tác giả tập thơ cũng nhận ra“ Biết rằng đã cuối thu rồi/ Biết là nhớ đứng, nhớ ngồi cũng không “ ( Tự nhủ – tr 144), nhưng tại sao nỗi nhớ lại trở nên “ vô tích sự “ như vậy, đơn giản vì “ người thì cũng đã người ta mất rồi “ , cách dùng từ thật xuất sắc ,nên dù tác giả khẳng định “ không bao giờ là phút cuối/mặc đời nhiều lúc chẳng bình yên/ không bao giờ là phút cuối. Xa em rồi nỗi nhớ thôi miên ‘ thì cũng phải đành “ xin gọi thầm tên nhau “ mà thôi.
Chỉ có lửa yêu thương rất thật ấy mới âm ỉ cháy suốt cuộc đời người đến như vây .
‘ Chỉ lửa là rất thật ", đó còn là ngọn lửa thắp lên từ lòng yêu quê hương, gia đình , thắp lên từ “ Ơi cái màu hoa gạo/ Rạo rực hoài tháng ba/Thắp lên những tầng lửa/Nỗi khắc khoải lòng ta” ( ơi cái màu hoa gạo ), nỗi khắc khoải ấy mang hình bóng người sinh thành giờ đã khuất
“ rồi ra ngoài ngõ sân trong/mẹ thu lá cả mùa đông vun đầy/đốt lên rấm đống khói bay, nay ngồi nhớ Lại chợt cay mắt mình “ (Cuôi năm ta lai về quê ).
Ngọn lửa ấy đượm nồng ngay cả khi lãng du nơi khoảng trời xa lạ
“Danube là Danube ơi/lặng lẽ nhịp cháy lòng, dòng sông quê hoa niên một thuở (trên dòng Danube ), để rồi, ngôi nhà từ đường được hình thành, dựng lên, chắt chiu bảo tồn nghĩa tình gia tộc.
“ Vườn nhà đã mấy lần cây / Ngôi thừa tự mới sao tày công ơn“
“Chỉ lừa là rất thật “còn cháy lên từ cõi ảo “ Đánh đôỉ cả giấc mơ, để có được mấy người bạn thật “ để mà hài lòng “ quen thêm mươi người bạn/được vài kẻ tri âm” cho dù ngày nào đó” mất hết xác chữ ‘ thì hồn cốt thơ văn vẫn ở cả trong tâm ” ( Với bạn bè Blog Tiếng Việt ), chẳng gì thấu đáo hơn, sâu sắc hơn về lẽ tồn tại,được mất trong cõi vô thường này
“ Chỉ lửa là rất thật “ còn cho người đọc ngạc nhiên, để rồi thán phục biệt tài phù phép ngôn ngữ của tác giả ,những cặp từ, những câu thơ mang phong cách rất riêng mà chẳng cần ghi rõ tên tác giả, người đọc vẫn có thể nhận ra “những là lần lữa bấy chầy “, rồi lại “ tìm đâu bòng dáng người ơi, đã từng “, hay “ đêm mây mẩy cả vì sao /ai mây mẩy chín dần vào giấc ta “
Điểm thú vị là ngọn lửa thật ấy hiện hữu rất nhiều qua hình ảnh cháy bùng của thiên nhiên, cảnh vật , người đọc dễ dàng nhận ra sự hừng cháy , nhận ra màu đỏ lửa điểm xuyết cả tập thơ “kìa bông hoa lựu thập thò lửa nhen” , “ đất đỏ hừng hực lên hơi “ hay “ trong đẫm ướt loài cây lá đỏ /cháy cho ta và nữa, cho ai “, những hàng cây lộc đỏ/ bùng lên phố lối ta qua “.
Với 108 bài thơ, tập thơ “ chỉ lửa là rất thật “ đã truyền cho người đọc cảm xúc lâng lâng, ngậm ngùi và bình an khó tả, để khi gấp lại, hồi tưởng cuộc họp mặt truyền thống vừa qua, bất chợt nhận ra rằng bao nhiêu bằng khen, thành tích, kỷ niệm chương… là ảo, chỉ có ngọn lửa yêu người, yêu nghề là thật, đủ khiến cho ai vững vàng trên buc giảng, đủ khiến những cách chim ra ràng, bay đi khắp nơi đều nhớ cội nguồn yêu dấu để quay về
Xin cám ơn tác giả về những gì điều rất thật mà ngọn lửa mang lại giữa bộn bề trách nhiệm này.

ĐỌC VÀ NGẪM 3:" GÁNH TƯƠNG TƯ " CÙNG ƯNG BÌNH THÚC GIẠ THỊ

Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961), tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình , hiệu Thúc Gịạ Thị; là một hoàng thân nhà Nguyễn và là nhà thơ Việt Nam thời tiền chiến .Ông cũng là thân phụ của nhà thơ nữ Tôn Nữ Hỷ Khương.
Sau 75, thơ của 2 cha con ông bị cấm lưu hành, mãi đến sau năm 2000 mới được phép lưu hành rộng rãi
Sau này có “tái cấm” nữa hay không thì hổng biết- hên xui ạ.
Thúc Gịa Thị viết nhiều thể loại : văn , thơ, tuồng, chèo…có ý kiến cho rằng vì con đường quan lộ của ông quá suông sẻ, nên không thấy được sự trăn trở, bi quan, tuyệt vọng hay đồng cảm với số phận dân nghèo trong văn thơ của ông.
Nhưng nếu đừng đọc lướt qua , đừng đọc với định kiến đó là quan nhà Nguyễn, ta sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị
1/Trước thế sự, ông không hô hào khẩu hiệu hay rên rỉ bi quan, mà từng câu chữ của ông gợi cho người đọc cảm nhận ông phán xét, lên án 1 cách sâu cay
Săn nai săn thỏ chuyện đà thường,
Nay lại săn người chốn Vũ-hương.
Già trẻ gái trai chung một lứa,
Ngậm than ngùi thở vớ i tan thương
(Bố ráp làng Vĩ Dạ-1940)
2/ Với vai trò là Hội trưởng Hội truyền bá quốc ngữ Trung Kỳ, thơ của ông có rất nhiều phương ngữ miền Trung, qua đo, giúp người đọc có thêm vốn từ , đồng thời khẳng định Tiếng Viết ta giàu và đẹp
3/ ông làm chủ được cảm xúc của mình, như tương tư, người thì khắc khoải “ ngày nào cho tôi biết, biết yêu em rồi, tôi biết tương tư, ngày nào biết mong chờ, biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa – Bao giờ biết tương tư của NS Phạm Duy” hoặc sẽ than thơ “Ai những nhớ ai, ai chẳng nhớ. Để ai luống những nhớ ai hoài! – Tản Đà” thì ông lại điềm đạm tương tư, điềm đạm tiễn biệt 1 con người, 1 mối tình nào đó
Trong gánh tương tư những vật gì?
Dây hồng lá đỏ đó chớ chi
Sao mà bợ ngợ không sương nổi
Lại cứ lần đân chẳng vất đi
San sẻ khốn ngờ cân tạo hóa
Nặng nề thêm mãi khối tình si
Hỏi ai là bạn thương mình đó
Xin hãy xê vai rợt chút nì
(Gánh tương tư )
Ngọn gió ngành xuân thổi phất phơ
Khi đưa khi đón lại khi chờ
Câu thơ tiễn biệt càng ngao ngán
Chén rượu tương phùng luống ngẩn ngơ
Ngoắt bạn bạn đành chân bước tới
Kêu ai ai giả bộ làm lơ
Thôi thôi đã thế thôi thì thế
Thương cũng xin vâng ghét cũng nhờ
(Tiễn biệt người tình )
Đọc xong, sao bâng khuâng quá, gánh tương tư của ông nhẹ nhàng quá, còn ta,phải xem lại cái “ gánh” chứa đựng những gì sao mà “sương” hổng nỗi mọi người ơi…

ĐỌC :VÀ NGẪM 2 : TỨC CẢNH CỦA T/G MÂY XANH

Thật bất ngờ khi nhận được món quà văn chương từ người bạn , blogger Mây Xanh, điều này làm tôi cảm động vô cùng., một bài thơ ngắn nhưng ý nhị.
“TỨC CẢNH
Sông !
Cầu
Mấy nhịp bắc sang
Đèn !
Không hắt bóng
Cơ man gió về “
Sông ..mênh mang chảy, nước ròng , dâng lũ hay vơi cạn, cũng là một khoảng ngăn cách của hai đầu nỗi nhớ, của sự chia ly và sum họp giữa bến và thuyền .
Để rồi có mấy nhịp cầu nối giữa hai bờ, để rồi có những ngọn đèn chơi vơi, âm thầm chiếu sáng , âm thầm làm chứng nhân cho sự chia ly hay sum họp ấy.
Nhưng sao lại là “ Đèn không hắt bóng “ ?
Ngọn đèn ấy- đèn không hắt bóng- ai cũng biết đó là ngọn đèn dùng trong phẫu thuật và cũng là tên cuốn tiểu thuyết của một nhà văn Nhật.
Người ta thường hay ca ngợi công dụng của đèn không hắt bóng, người ta cũng ca ngợi sự lặng thầm chịu đựng của bác sĩ Naoe – nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết-
Nhưng tôi nghĩ khác, ngọn đèn ấy, soi rọi, tách bạch từng mô, từng tế bào, từng mạch máu nhỏ li ti, để rồi sau đó, âm thầm cô đơn, 1 sự cô đơn khó thể giải bày , khó tìm được sự cảm thông, đơn giản vì người ta chỉ cần dùng mà không cần hiểu sâu xa về nó,ngọn đèn ấy ,cứ bừng sáng rồi tắt đi, tất cả đều âm thầm,lặng lẽ
Đèn không hắt bóng, có phải là vị bác sĩ Naoe tài hoa nhưng bạc mệnh, chấp nhận số phận trong tư thế ngạo nghễ,sống không cần thương cảm, một cách sống tự trọng khi phải đối diện với những trái ngang., chấp nhận tất cả ngoại trừ sự thương hai của người khác dành cho mình .
Như lời 1 nhân vật trong truyện “ người ta có quyền chọn lấy 1 cách để tránh nỗi đau “ , chấp nhận số phận, nheo mắt và mỉm cười với số phận, có người đã “chèo chống 1 ngày, 1 đời “, họ đi trong mưa, mệt nhoài trong nắng, bơ phờ trong đêm, họ chịu đựng những cái bắt tay, những cái ôm choàng và lời chúc tụng, họ vô cùng nản những vinh quang phù phiếm ấy.
Đến khi hoàng hôn của ngày, hoàng hôn của đời đến, ngẫm lại và thấy an lòng pha chút tự hào, hoàng hôn đến, nhưng “ ánh rạng “của lòng yêu người, yêu nghề say đắm vẫn ngời ngời
Cho nên, này đèn không hắt bóng, hãy cứ bừng sáng dù rằng sau đó âm thầm tắt đi, âm thầm 1 đời cô đơn , nỗi cô đơn khó giải bày, vì có sao đâu, cô đơn cũng là điêu thú vị và nhất là cô đơn chẳng giết chết ai bao giờ
Cám ơn Mây Xanh bạn hiền và nợ bạn 1 vòng tay ôm ngày gặp lại
Nhớ!

ĐỌC VÀ NGẪM 1: SÓNG NGẦM CỦA T/G NGÔ NGUYỄN

Sóng biển – theo thuật ngữ Vật Lý – đó là dao động theo phương thẳng đứng hay xoáy vòng của nước biển. Có hai loại sóng biển là sóng bề mặt ( tạo thành chủ yếu do gió) và sóng ngầm ( do những cơn địa chấn ngầm dưới đáy biển, đạt đến 1 biên độ nào đó sẽ trở thành sóng thần cuốn phăng tất cả )
Như thế , Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh , “ Sóng bắt đầu từ gió “ là sóng bề mặt, một lối ẩn dụ về tình yêu qua hình ảnh sóng và gió
Còn Sóng Ngầm – hiển hiện rõ qua tập thơ cùng tên của nhà thơ Ngô Nguyễn
Khởi đầu , tác giả vốn biết bản thân mình :
“Lâu nay khô cạn ước mong “
Nhưng rồi đột ngột xuất hiện hình ảnh rất gợi
“ Dập dơn cánh bướm uôn cong dáng chiều “
Khiến cho nhà thơ trở nên xao xuyến và bâng khuâng:
“ Không dưng, ta bỗng them yêu
“ Như cơn địa chấn ập về trêu ngươi “
Nếu như nhạc sĩ Pham Đình Chương trong giây phút ‘thèm yêu” chỉ hình dung ra
“ Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng /Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng”
Thì tác giả đã không phải mơ vì người là thật chứ ko là mộng :
‘ Bão nào đến tự nơi xa
Từ cô hàng xóm, thốc qua nhà mình”
Kể từ đó, sóng ngầm bắt đầu lăn tăn :
“ Lời tỏ tình thả vào mênh mông
Tôi hiểu, lòng đang dậy sóng “
Sóng ngầm lại cuộn trào , từ nụ hôn đầu :
“ Nụ hôn cuồng loạn bão mưa
Hạn lâu, cơn lũ chỉ vừa mát cây “
Sóng trở nên mãnh liệt , ngay tâm chấn khi
“Ngưc em bỗng chạm ngực tôi, ngọt mềm”
Thế nhưng,…có mấy ai đi đến cái kết trọn vẹn cùng mối tình đầu, nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng từng tư lự
“ Ôi mối tình đầu/ Như đi trên cát/ Bước nhẹ mà sâu/
Nhà thơ của chúng ta cũng vậy, cũng buồn vì mất đi mối tình đầu thơ mộng
“ Thất tình, trời đất nhạt nhòa
Lời yêu lặng tiếng còi xa, nhạt dần “
Nếu Phạm Thiên Thư ,cứ nghĩ tình xưa ấy “Ngỡ đã phai màu “
Cố nhạc sị Trịnh Công Sơn cũng đã “ngỡ” như vậy
“ Tình ngỡ đã quên đi , nhưng tình bỗng lại về “
Vâng, tình bất chợt về, không chỉ là gợi nhớ từ con phố xưa, từ giọt mưa , từ ráng chiều mà về hiển hiện qua dáng người trước mặt
“ Em gió tìm mây
Ta- mây mong gió”
Để rồi hội ngộ ngỡ ngàng làm sao :
‘em xưa rực rỡ đóa hoa
Anh thành kẻ trộm, liếc ra liếc vào”
Người xưa, tình cũ , đó là duyên !Còn phận, ai cũng đều có phận riêng , sóng ngầm, ừ nhỉ, sóng ngầm cứ lăm tăn chút thôi, đừng thêm địa chấn để thành sóng thần cuốn phăng tất cả những gì ta vun đắp, như nhà thơ đã khẳng định rạch ròi
Tóc anh giờ hóa cước
Vẫn luôn được bên em
Một ngôi nhà ấm êm
Mà anh hằng mong mỏi”
Cho dù sóng cũng ngấm ngầm trong cuộc sống chung
“ Vợ nói ngược, chồng nói xuôi
Sao không dung hợp cho lời gặp nhau “
“ Ly hôn đùn đẩy , nhường nhau
Anh mà ký trước, em đau đớn lòng”
Và cả trong đời sống, trong công việc:
“Lời xẳng ném chó, ném gà
Văng quanh văng quẩn, lại va vào mình “
Ngoài những bài thơ khắc khoải qua từng đợt sóng ngầm trong lòng đại duơng cuộc đời, tác giả cũng có những phút vui đùa rất hóm, như “ Chơi cầu lông “
Anh tâng cầu vút lên cao
Chị xoay nửa trái bồng đào hứng ngay “
Hoặc những phút vô tình ngắm Chân dài”, vô tình “Mát xa”..và cả những khi tĩnh lặng “ Uống trà ngắm hoa”, rất nhiều bài với tứ thơ hay mà trong khuôn khổ trang blog ko thể nào chuyển tải hết
Với độ dày tập thơ chưa đến 100 trang và gần 100 bài thơ, đa phần là thể 6.8 nhưng với văn phong ngắn ngọn ẩn nhiều cảm xúc ,t/g Ngô Nguyễn đã luân chuyển những cơn sóng ngầm về cùng 1 hệ quy chiếu, đó là nơi đọng lại cảm xúc khó tả trong lòng người đọc,
Cám ơn nhà thơ Ngô Nguyễn,cám ơn những cơn địa chấn ngầm trong lòng ta, để ta bâng khuâng xen lẫn tự hào,vì ta vẫn có thể điều chỉnh biên độ của nó, ko để địa chấn tăng thêm làm nên sóng cuốn trôi tất cả

RỒI MỘT NGÀY ...

Rồi một ngày..
Ta !
Bất chợt nhận ra
Bao cảm xúc
Lãng trôi đi xa mất
Lời đãi bôi
Vây quanh
Điều rất thật .
Ta chạnh lòng
Trống vắng
Chênh chao
Rồi một ngày...
Nghe ngoài ngõ
Lao xao
Mùa Thu đến ?
Cho Lá vàng trăn trở
Gió heo may
gợi bao niềm
Thương!
Nhớ !
Hoài niệm nào
Cứ về mãi
Trong đêm
Rồi một ngày
Ta
Thèm giấc thụy miên
Hay
rong chơi
Tận nơi nào xa ngái
Uống gió
Ngậm sương
Ngủ cùng cỏ dại
Thế thái nhân tình
Bỏ mặc
Phía sau lưng .

BẠN ĐỜI VÀ TRI KỶ

Bạn đời ở chung nhà, ăn chung mâm, ngủ chung giừơng nhưng lúc nào ta cũng thấy xa xôi, lạnh lẽo .
Tri kỷ ở khác nhà, khác thành phố, thậm chí khác quốc gia, ta lại có cảm giác ấm nồng, gần gũi
Bạn đời ko bao giờ nhớ ngày sinh nhật của ta , khi ta hờn dỗi thì " anh quên, quên mà, thích gì anh mua "
Tri kỷ cũng chẳng mua gì , lấy hình trên mạng gửi qua mail , đánh thức ta lúc 0g ngày sinh nhật chỉ để thì thầm " mừng sinh nhật của em "
Bạn đời thích hơn thua , bắt lỗi ta , đôi co với ta từng chút .
Tri kỷ ko nói gì những lúc ta " chướng khí" để rồi sau đó cười hì hì " ko giận, biết cái tánh em mà"
Bạn đời luôn nhìn thấy cái điềm tĩnh, khôn ngoan , ứng phó, phản xạ tốt, làm việc có hiệu quả, có kế hoạch và cả cái khinh đời bạt mạng của ta
Tri kỷ luôn hiểu ở ta có sự nông nỗi, lúng túng,cuống quýt trẻ con , thích dựa dẫm, thich được dỗ dành .
Bạn dời đến sau, tri kỷ đên trước..
Vậy tại sao ta lại gắn bó cuộc đời với người đến sau ?
Có lẽ vì tri kỷ là duyên, bạn đời là phận !
Rồi bạn đời là tri kỷ của người khác, tri kỷ thành bạn đời của người khác ,hổng có ai chấp nhận cho bạn đời đóng vai trò tri kỷ với người dưng
Cho nên, xong !
Túm lại, lâu lâu nhớ và buồn , mà ta nghe giang hồ nói " buồn ko ai chia sẻ thì dễ tìm cái chết "
Ta đâu chết được lúc này, công đoàn phí chưa đóng,Đảng phí , bảo hiểm chưa đóng, điện, nước,cáp, wifi.. cũng chưa mà


BẬU À...

Bậu à , say với Qua không ?
Cho quên cả mớ bòng bong giữa đời
Còn đây nửa mảnh trăng côi
Và đây, Chuỗi Ngọc vẫn ngời sau mưa
Bậu à, có nghe Qua thưa ?
Say cho quên những trò đùa oái oăm
Không còn lắm nỗi phân vân
Là Cát hay Ngọc những lần mưa sa
Bậu à, say với Qua nha ,
Dù tình Qua- Bậu chỉ là ước mơ
Say cho ngất lịm hồn thơ
Cho quên đã tiễn hư vô xuân thì
Bậu à, say với Qua đi....

                                                      (Nu au Collier - Pablo Picasso )

SỰ TÍCH HOA RÂM BỤT

Ngày xưa ở một ngôi làng nhỏ
Có đôi vợ chồng rất thương nhau
Vợ đảm, chăn nuôi heo và thỏ
Chông siêng, cấy lúa với trồng rau
Một ngày, chồng lăn ra bạo bệnh
Mê sảng đêm ngày, nóng sốt ran
Vợ khóc, lo cho chồng yểu mệnh
Kề cận bên giường, chẳng than van
Đột nhiên, Bụt hiện ra và hỏi :
( Câu hỏi cũ mèm tự xưa nay)
Này con, vì sao con lại khóc ?
Mau hãy trình bày cho ta hay
( Vợ trình bày: #%&***%@)
Nghe qua, Bụt cười lên ha hả:
Bệnh này..dễ chữa lắm nha con
Theo ta xuống nuí đi tìm lá
Chớ có u sầu mà héo hon
Đường đi khúc khuỷu, tranh sáng tối
Mồ hôi Bụt cứ giọt giọt tuôn
Nhìn quanh hổng thấy nơi râm mát
Ô đỏ bên mình, vợ vội giương
Chân núi đây rồi, nhiều lá thuốc
Theo lời của Bụt, vợ hái nhanh
Nhìn lên, Bụt đã đi đâu mất
Chỉ còn tiếng gió khẽ đưa cành
Về nhà, vợ vội lo sắc thuốc
Cái ô đo đỏ vất sau vườn
Về sau, từ đây lên cây tốt
Hoa đỏ, lá xanh, ngan ngát hương
Người xưa gọi đó :hoa Râm Bụt
Hoa tạo bóng râm cho Bụt thôi
Hoa luôn tươi thắm như tình nghĩa
Vợ vợ chồng chồng mãi chung đôi

ĐỌC " TRÚC NGUYỆT" CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN CHU NHẠC

Trúc Nguyệt- là truyện ngắn của tác giả Nguyễn Chu Nhạc .
Nội dung truyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa ảo mộng và thực tế, về nhân vật chính là cậu bé Đạo Tái, vốn thông minh đỉnh ngộ nhưng hình dạng dị thường.
Trong khi cha của cậu “ nhìn tướng mạo con mình thì mừng rỡ vì nét dị thường đó báo hiệu sự xuất chúng sau này “ thì mẹ cậu lại “ lo lắng cho việc dựng vợ, sinh con đẻ cái về sau”.
Đến năm 15 tuổi, cha mẹ cậu dạm hỏi nhiều đám nhưng bất thành, Đạo Tái ko buồn phần vì cậu nghĩ “ nhà gái tầm thường, ko thấy được vẻ đẹp trí tuệ ẩn giấu bên trong”, phần vì cậu đã để ý đến cô Mơ, con thầy đồ , “hơn cậu hai tuổi, sắc nước, phổng phao nõn nà, hơn đứt hẳn đám con gái trong vùng. Thêm nữa, cô có đôi mắt lá răm đen láy, lúng liếng như hút hồn người ta, mỗi bước đi, mỗi cử chỉ, đôi trái đào tơ căng mẩy như quẫy trong yếm thắm.”
Nhưng oái ăm thay, cũng như những người con gái khác cô Mơ cự tuyệt vì trót xiêu lòng trước chàng kép hát “dẻo mỏ”, cố nén đau buồn, Đạo Tái cố công dùi mài kinh sử, khoa thi năm ấy, danh vị Trạng Nguyên xướng tên Đạo Tái
Ngày bái tổ vinh quy, giữa cảnh từng bừng , hồ hởi đón Trạng Nguyên , Đạo Tái vẫn chạnh nhớ đến Mơ và thầm ước “ võng nàng theo sau’, Quả thật, tình yêu có những điều khó ai giải thích nổi
Sau cùng, chàng ngộ ra “nếu có lấy được vợ, rồi suốt đời, chàng cũng chỉ sống với hình bóng cô Mơ trong tâm tưởng. Và còn bởi, chàng không chiến thắng nổi hình hài của chính mình. Vậy thì chỉ còn cách sống một cuộc đời khác người thường, xa lánh bụi trần mà thôi?!...
Thế là Đạo Tái của chúng ta “quyết định từ bỏ chốn quan trường và cuộc đời trần tục, xuất gia đầu Phật.”và trở thành “vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm “, xưng là Huyền Quang sư tổ
Cho đến ngày, Huyền Quang cứu chữa cho 1 con bệnh, cũng như những con bệnh khác , “nông dân nghèo khó, bất kể gì mưa nắng, gió bão, làm lụng quần quật quanh năm, ăn uống chỉ quanh quẩn rau dưa, tương cà, lại chẳng mấy chú tâm đến việc dưỡng sinh, gặp cơ địa bất lợi là đổ bệnh ngay. “ Người bệnh có cô chị gái “khá sắc nước.,Đôi mắt cô gái đen láy, sâu thẳm, ẩn chứa sự quyết liệt.” Có phải vì nét nữ tính của cô hay vì cô là người duy nhất ko màng đến nét ngoại hình kỳ dị, khác thường, đã khiên cho sư tổ “thấy lòng mình chộn rộn, cứ như đang chờ đợi một cái gì đấy, là lạ…”
Đêm ấy, Sư Huyền Quang nằm mộng, thấy mình tái ngộ với cô Mơ, cuộc trò chuyện trong mơ ấy đã khiến cho sư ngộ ra nhiều điều “Cái đáng sợ nhất là bản ngã, thì ông đã vượt qua rồi. Tiếng để đời ư? Rồi một ngày kia người đời sẽ hiểu. Chân lý có con đường riêng của mình, dù rằng vòng vèo khuất lối. “
Truyện kết thúc với tâm trạng " Một vì sao đổi ngôi vạch sáng chéo vòm trời. Vậy là có thêm một sinh linh nơi phàm trần được Đức Phật gọi theo. Ông cứ muốn một mình, đứng mãi nơi sân chùa này với cảm giác hạnh ngộ như vậy!...” của nhà sư
Dù tác giả Nguyễn Chu Nhạc ko phải xa lạ gì nhưng với Trúc Nguyệt, người đọc ngỡ ngàng vì “ chạm” đến những phát hiện mới, truyện xen yếu tố tấm linh dù rất nhẹ nhàng , những triết lý nhân sinh thoát tục . như cách Đạo Tái dù bị Mơ cự tuyệt nhưng vẫn “tôn trọng tình cảm riêng tư, nên hiểu nỗi lòng cô ta. Ở đời, chuyện quả kiếp nhân duyên là vậy.”
Trúc Nguyệt còn mang thể loại “văn trung hữu họa”,vì truyện đan xen những phân đoạn tả cảnh khiến người đọc cảm nhận trước mắt mình là bức danh họa thiên nhiên “Bên ngoài, cây cỏ ướt sương đêm, tuy hơi đất, sương núi còn giăng mù , vòm trời thu xanh non buổi sớm đang dần nhuốm hồng khi vầng nhật chồi lên ngang đầu núi, “
Trúc Nguyệt- truyện ngắn,chỉ là vậy, nhưng đủ khiến cho người đọc khi gấp sách lại- à không, khi thoát đường link bâng khuâng quá đỗi, trên đời này, có 1 tình yêu chung thủy như sư tổ Huyền Quang ? Hay vô tình chứng minh câu thơ của - Guillaume Apollinaire “ mộng trùng lai ko hề có trên đời”, có chăng, ta và người chỉ gặp lại nhau trong giấc mộng
Và..bốn câu thơ của sư Huyền Quang cứ văng vẳng bên tai
“Vằng vặc trăng mai ánh nước/
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh/
Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ/
Mâu Thích Ca mà thú hữu tình”.
Trúc Nguyệt - Xin trân trọng giới thiệu cùng anh chị em bạn hữu nơi này, đọc để bồi hồi, để bâng khuâng . nhất là tự khám phá thêm những điều hay của Trúc Nguyệt mà người viết bài này chưa "phăng" tới
Link truyện
 http://www.mvatoi.com/

SAIGON ĐÂU CHỈ HAI MÙA MƯA, NẮNG..

Năm lớp 10, lớp em có thêm 2 thành viên mới từ miền Bắc chuyển vào : Phương Đông và Thanh Bình
Một lần, tập trung làm báo tường, nhỏ Phương Động quẹt mồ hôi trán, càu nhàu “ Nóng quá, SG chỉ thấy nắng mưa, ko như ngoài tui, đủ 4 mùa , thích lắm “
Em lườm “ Tại bồ hổng biết á, SG có đủ 4 mùa mà, nghe nè, 1 là mùa mưa, 2 là mùa mưa nhiều, ba là mùa nắng, 4 là mùa nắng nhiều “
Đám bạn rũ ra cười, còn nhỏ PĐ gãi đầu gãi tai,xua xua tay rồi cũng cười trừ
Nhưng bây giờ, giá mà gặp lại bạn cũ, chắc chắn em sẽ nói “ mấy bồ à, SG mình giờ có thêm mùa nữa đó, mùa hoa kèn hồng “
Bỏ qua những gì em học về phân loại ngành thực vật anh nhé,chỉ biết cùng em rằng hoa có hình dạng giống hình chuông, gần giống hoa chuông vàng nhưng, có màu sắc như hoa anh đào, mọc thành chùm mỗi chùm từ 4-7 hoa. Mùa ra hoa từ tháng 4 –tháng 6 trong năm. Thông thường khi cây ra hoa, hầu hết lá đều rụng, trên đầu mỗi cành chỉ nhìn thấy những cụm hoa tươi thắm
Hoc trò em, biết cô giáo của hắn yêu hoa, thích ngắm hoa nhưng lười trồng nên đã miệt mài xách máy ảnh từ đầu tháng tư, từ đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu đến đại lộ Võ Văn Kiệt để gửi những tấm hình hoa kèn hồng- hoa anh đào phiên bản Việt- với lời càu nhàu “ Hoa đẹp nhưng mau tàn lắm cô, cái gì sớm nở cũng tối tàn, mưa xuống là nghẹt cống”
Em đã gửi ngay lời cam ơn cùng icon mặt cười “ Nghĩ thoáng chút đi con, vì biết sẽ tàn úa sau vài ngày nên hoa đã cháy hết mình để dâng đời sắc thắm, làm giảm oi bức trên đường con đi học về đó”
Em khuyên học trò như vậy, đúng không anh ? Vì dù em nhuần nhuyễn học thuyết tiến hóa của Darwin, em vẫn tin sự sống luôn bất diệt, thời điểm sự sống này suy kiệt cũng chính là thời điểm sự sống khác sinh sôi, những cánh hoa kèn hồng tả tơi, oằn mình dưới gót chân người trong kiêu hãnh vì đã hoàn thành nhiệm vụ
Và sẽ không còn, không nên còn sự ngậm ngùi thương tiếc hoa như giai nhân xa xưa, bởi vì cánh hoa mỏng manh kia chỉ rơi rụng sau khi cháy bùng mạnh mẽ rồi nhường lại dòng nhựa dinh dưỡng từ cây cho cành hoa khác, tươi thăm hơn , cho SG mát rượi giữa nắng tháng tư về
Có lẽ vào mùa hoa kèn hồng hàng năm, sẽ có người tuổi đã hoàng hôn , lang thang khắp phố SG , ngắm hoa , nhặt hoa rơi nhưng ” Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,/ Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,/ Em chờ người đến với yêu đương.”
Vào SG 1 chuyến, mùa hoa kèn hồng nở, anh nhé.

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA 2

Ba kính yêu của con !
Nếu có ai hỏi " người đàn ông yêu thương bạn nhất là ai " Con sẽ ko do dự mà đáp " Ba của tôi"
Nếu có ai hỏi " Người đàn ông mà bạn yêu thương nhất là ai ?"
Cũng vẫn câu trả lời " là Ba tôi"
Cả 1 thời thơ ấu của con, hình như Ba ko hề la mắng con 1 lời, nhưng những gì Ba nói, Ba làm đều vô tình là tấm gương giáo dục con tốt nhất
Rồi ngày giông bão đến, ba con mình phải chia xa , 9 năm trời , người rừng sâu, người phố thị, đong đếm làm sao cho hết những giọt nước mắt của con vì nhớ thương Ba
Khi Ba về, đau yếu, già sọm, khắc khổ cũng ko bằng cuộc sống tù túng , quanh quẩn trong nhà, Ba cứ ngồi trầm ngâm trước khoảng sân nhỏ, hơn 7g sáng mà nắng đã chói chang, Ba dời ghế vào , rồi dời ghế nữa, để tránh ánh nắng MT, thương Ba lắm,con đã mua về chậu thiên lý nhà vườn ươm sẵn .

Uơm trồng giàn hoa Thiên Lý
Những mong bóng mát Ba ngồi
Đất cằn, cha con vun xới
Tiếng cười rộn rã không thôi

Ngày qua trên giàn thiên lý
Rợp xanh chắn ánh mặt trời
Ba bên tách trà ngày mới
Âm lòng con trẻ, Ba ơi !

Từng ngày giàn hoa thiên lý
Nụ hoa e ấp xuân thì
Bát canh còn trong dự tính
Phương trời cưỡi Hạc Ba đi

Để giờ nhìn hoa thiên lý
Ngỡ đây bóng dáng Ba ngồi
Thân con chưa tròn chữ hiếu
Xót lòng nước mắt tuôn rơi


 ( Chèvrefeuille Que Tu Es Loin- tội nghiệp thằng bé nhớ thương mãi quê nhà, giàn thiên lý đã xa, đã rời xa...)

TỰ KỶ

Từng giờ qua, lại từng giờ qua
Nơi quán vắng chỉ mình ta, lặng lẽ
Đếm thời gian trôi đi thật khẽ
Nhẩm đếm số người lần lượt qua mau
Một xe đi trước, rồi xe theo sau
Như buồn vui cứ nối dài năm tháng
Bao hoài niệm tựa mây trời bãng lãng
Chẳng thể nào chôn kín hoặc đẩy xa
Một giây qua, rồi một giây qua
Lại hành trang đi rao tri thức
Khoác thêm chiếc áo bào mẫu mực
Thế thái nhân tình bỏ mặc sau lưng

                                        ( Họa sĩ Anh Tuấn - xé giấy báo )

ĐÔI KHI ..

Đôi khi..
Gió nhớ trăng thề
Bằng lăng nhớ Tím, lối về nhớ đêm
Đôi khi..
Sóng nhớ triều lên
Giậu mồng tơi nhớ phút bên cánh chuồn
Đôi khi..
Phố nhớ mưa tuôn
Giọt cà phê nhớ nỗi buồn mong manh
Đôi khi..
Em lại nhớ anh !

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

" ĐẦU TRỜI NGÁT ĐỈNH HÀ GIANG "

" Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang" **
Sao làm chi việc kinh hoàng người ơi !
Điểm chỉ một, hóa gần mười
Rớt thời hóa đậu, dở thời hóa hay
Đắng lòng khảo thí ngày nay
Lương tâm, trách nhiệm thả bay lên trời

** thơ Lê Anh Xuân

http://soha.vn/bat-ngo-thi-sinh-o-ha-giang-duoc-tra-lai-575-diem-thi-sau-khi-cham-tham-dinh-2018071811363277.htm

http://soha.vn/tam-thu-than-sieu-thanh-quat-gui-quan-pho-khao-thi-ho-vo-o-ha-giang-20180717222938249.htm

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

BÀI THƠ VẬN NƯỚC CỦA THIỀN SƯ PHÁP THUẬN


Đây là bài thơ nắm trong chương trình ngữ văn lớp 10 ban A .Viết lại những cảm nhận về bài thơ này cũng là phút hoài niệm của tôi về 1 thời “ ngựa non háu đá” ở trường, lớp ngày xưa.
*********************************
1/ TÁC GIẢ
Tác giả bài thơ Vận nước ( Quốc tộ ) là Thiền sư Pháp Thuận , là nhà sư thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Nam do Thiền sư người Thiên Trúc Tì Ni Đa Lưu Chi  lập ra. Thiền sư là người cố vấn cho vua Lê Đại Hành soạn định nhiều sách lược quan trọng về nội trị và ngoại giao.
Theo chính sử, sau khi dẹp được 12 sứ quân ,Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi rồi bị Đỗ Thích giết ., rồi  Nguyễn Bặc giết Đỗ Thích sau cùng Lê Hoàn giết Nguyễn Bặc và lên ngôi trong lúc nhà Tống viện cớ ủng hộ nhà Đinh chuẩn bị sang xâm lăng nước ta.
Lê Hoàn đã đem chuyện vận mệnh của đất nước mà cũng là vận mệnh triều đại của  ông hỏi thiền sư Pháp Thuận rằng “ Quốc tộ đoản trường ?”
Nguyên bản Hán Văn: 
國祚
國祚如藤絡
南天裏太平。
無為居殿閣,
處處息刀兵。
Bản phiên âm Hán-Việt: 
Quốc tộ
Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.
Dịch thơ :
Vận nước giờ tựa dây mây
Tiến, lùi, đoàn kết mới hay thái bình
Vô vi điện các anh minh
Khắp nơi chấm dứt đao binh chực chờ
3/ CẢM NHẬN BÀI THƠ
Ngay câu đầu, Thiền sư đã khẳng định “Quốc tộ như đằng lạc”,
Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích Quốc tộ là vận hội quốc gia, vận hội triều đại .
“ Đằng lạc” : Hầu hết các sách đều lựa chọn cách dịch đằng lạc là dây mây quấn quýt, một số sách cho rằng Đằng lạc là loại dây leo tự nhiên, , chúng bám vào cây cao và to, vươn tới 20 mét, thậm chí còn bao trùm toàn bộ một cây cổ thụ lớn. Đặc biệt, lá và ngọn đằng lạc vươn lên như thế xông thẳng lên trời. tựa như con người đang ở thế thịnh vượng. Cho nên, câu trả lời “ Quốc tộ như đằng lạc “của Pháp sư vừa chỉ ra vận mệnh nước ta, ngôi vị vua ta, đồng thời cũng là câu chúc tụng Hoàng đế Lê Đại Hành : Thượng thọ vĩnh hằng
Nhưng theo tôi , người trả lời là vị Thiền sư thâm trầm uyên bác , nên ko thể ví Quốc tộ như đàng lạc đơn gản như vậy , đúng là "đằng lạc- cây dây" là loài cây dây leo , mà đặc tính dây leo   chủ yếu quấn vào cây sống cùng mảnh đất với nó., dây leo phát triển rất linh hoạt, thoáng thì phát triển thẳng, gặp trở ngai thì vòng sang bên , chính là biểu tượng cho tinh thần "tùy duyên bất biến" của đạo Phật.
Câu 2 :“Nam thiên lí thái bình”.
 “Nam thiên lí” là “ở góc trời Nam , chính là tuyên ngôn ngắn gọn về hoà bình, về mục đích của muôn dân chỉ cần hai chữ Thái bình. Muốn vậy thì làm sao, câu trả lời ở câu 3
 Câu 3 : Vô vi cư điện các
Vô vi : Theo Đạo giáo : Là làm những việc thuận với lòng dân, không gây phiền nhiễu cho dân, để dân được sống yên lành.
Theo Phật giáo : Là thương dân, làm cho mọi chúng sinh được hạnh phúc, loại bỏ mọi khổ nạn cho họ.
Theo Nho giáo : Người lãnh đạo lấy đức của bản thân để cảm hóa dân, khiến cho dân tin phục, để từ đó xây dựng nền thịnh trị.
Ta thấy rõ Thiền sư có ý khuyên Vua  thực hiện đường lối đoàn kết nhândân . Đó là đường lối nhân ái, bác ái lấy dân làm gốc tạo nên một cuộc sống ấm no hạnh phúc
 Theo  Chu Hi “ Vô vi mà thịnh trị là vì bậc thánh nhân có đức thịnh nên cảm hóa được nhân dân, không phải làm gì hơn”. Sự thái bình của đất nước phụ thuộc vào sự điều hành của nhà vua và chính thể ấy có đặt ra những gì trái với tự nhiên, trái lẽ thường hay không và có được lòng dân không,
Sử chép khi sắp mất, Nhân Tông gọi thái úy Lưu Khánh Đàm nhận di chiếu: “…Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho là phải. Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào! … chớ làm sai mệnh, trẫm dù nhắm mắt cũng không di hận. Việc tang thì chỉ 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế…“.*
Như vậy Thiền sư Pháp Thuận dùng chữ Vô vi ở đây với đầy đủ các nghĩa của chữ này. Nghĩa là ở chính cái ngai vàng mà nhà vua đang ngự, ở chính nơi điện các này của nhà vua mà thực hiện được vô vi, mà đạt được đến vô vi, thì hiển nhiên “xứ xứ dứt binh đao” thiên hạ sẽ thái bình, đất nước sẽ vững bền như dây mây quấn quýt.
KẾT
Bài thơ chỉ vẻn vẹn có hai mươi chữ, mà chứa chất nhiều tư tưởng lớn ở tầm vĩ mô, lại được diễn đạt bằng một hình thức hết sức giản dị. giải mã một cách đích xác và cụ thể những yếu tố gì có thể làm cho vận nước được dài lâu. Đó là sự đoàn kết của toàn dân và phẩm chất tài đức của người lãnh đạo. Không có hai yếu tố này, thì vận nước không bao giờ có thể bền vững được.
Tiếc thay, triều Tiền Lê không thực hiện được mong ước của Thiền sư, không thực hiện được vô vi ở nơi điện các, nên chỉ tồn tại được một thời gian ngắn ngủi. Thượng bất chính, hạ tắc loạn! Người xưa nói chẳng có sai. Những người cầm quyền, chèo lái con thuyền đất nước (nơi điện các) mà bất chính, vô đạo, thì không chỉ có loạn ở nơi điện các, mà còn là khiến trăm họ phải chịu cảnh lầm than, tạo cơ hội cho kẻ thù ngoại bang dòm ngó!  


                                           

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

" NHẤT PHÁ SƠN LÂM, NHÌ ĐÂM HÀ BÁ"


“ Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá “ , câu này có 2 cách hiểu
1/ Nói về nghề khai thác rừng và nghề đánh bắt thủy hải sản
2/ Nói đến hậu quả của sự hủy hoại môi trường rừng, biển
Nếu ngẫm từ “ phá” cùng ‘ đâm” thì hiểu theo nghĩa thứ 2 co lẽ chính xác hơn
 NHẤT PHÁ SƠN LÂM
Những cánh rừng tự nhiên tạo ra thảm thực vật  dày, được che phủ bởi nhiều tầng, nhiều lớp thực vật, thì khả năng hút nước, giữ nước và ngăn lũ, giảm lũ cực kỳ hiệu quả. Nhưng giờ đây , lũ đã khônG còn tuân theo những quy luật thông thường, thay vào đó là những đợt lũ mỗi ngày một tăng   
Nguyễn Trãi đã  nói: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật”. Túc là phúc họa đều có nguồn cơn mà ra, đâu phải tự nhiên một buổi mà đến. Vậy lũ đến do dâu ?
Có người đã cho rằng đó là do biến đổi khí hậu, do phong tục tập quán của người dân miền núi thường sinh hoạt tại tác triền đồi nơi dễ xảy ra sạt lở, do các dòng sông nằm cạnh các chân núi yếu…
Nhưng nguyên nhân sâu xa và thực chất của những đợt lũ này là do người dân thì phá rừng làm nhà, làm nương rẫy, lâm tặc thì phá rừng lấy gỗ, muốn có điện thì phá rừng xây hồ chứa, xây nhà máy thủy điện,… Hằng trăm thủy điện trong cả nước đóng góp tới 30% lượng điện quốc gia, nhưng hệ lụy để đánh đổi thì lại là quá lớn. Bởi cứ 1 MW điện thì người ta dự tính sẽ có hơn 16 ha rừng bị chặt hạ,
Ph. Ăng Ghen (1820 -1895) đã nói: “Ta không nên quá ảo tưởng vào những chiến thắng của mình đối với thiên nhiên. Thiên nhiên sẽ trả thù ta cho mỗi một "chiến thắng" Đúng như vậy, thiên nhiên không còn cảnh báo nữa mà đã thực sự trừng phạt vì con người không chung tay bảo vệ nó. Hậu quả nặng nề của đợt lũ lụt vừa qua là một bài học, hẳn đây không phải đợt lũ lụt cuối cùng, nó sẽ lập những kỷ lục mới nếu con người vẫn ra sức tàn phá thiên nhiên một cách không thương tiếc
NHÌ ĐÂM HÀ BÁ
Những ngươi  thợ lặn, ngày từng ngày “đâm Hà Bá” phải trầm mình đáy sông lạnh giá, vật lộn giữa sự sống và cái chết để mưu sinh, đa số đều vướng bệnh khó thở, ù tai, xuất huyết ngũ quan, Công việc cực nhọc, vất vả, ráo nước trên người là hết tiền nhưng cái sự “ đâm” này  chưa đến mức làm sinh vật biển tuyệt chủng, mà mức độ nặng hơn là các hành động khai thác mang tính hủy diệt, đầu độc, phá hoại môi trường sống trên  . Vụ việc biển miền Trung bị nhiễm độc làm cá tôm chết hàng loạt có thể xem là tội “đâm hà bá” tàn bạo vô cùng
trong kinh Pháp Cú cũng khuyên không nên đốn rừng , lấp biển thiên nhiên mà phải ‘đốn rừng , lấp biển dục vọng’ vì chính dục vọng là nguyên nhân khiến con người tham lam ăn ko từ thứ gì để làm giàu trên nỗi đau người khác
Vì vậy cần rất nhiều đến sự năng nổ, trách nhiệm của các cơ quan chức năng cùng sự thanh tra, giám sát thường xuyên  thì việc ngăn chân tình trạng phá sơn lâm, đâm Hà Bá nào phải là việc dời non lấp bể