Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

ĐỌC VÀ NGẪM VỀ TĨNH DẠ TỨ CỦA LÝ BẠCH

TỪ NỖI NHỚ QUÊ HƯƠNG CỦA NGƯỜI XƯA
Lý Bạch (701- 762) là một trong những nhà thơ danh tiếng nhất thời thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung, được hậu bối tôn làm Thi Tiên. Ông đã viết hơn cả ngàn bài thơ bất hủ, một trong số đó là bài thơ Tĩnh Dạ Tứ , được dịch nghĩa như sau
Đầu giường ánh trăng rọi,
Mặt đất như phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương. ( bản dịch Tương Như )
Ngay từ câu thơ đầu, chủ đích của Lí Bạch là tả ánh trăng sáng để tượng trưng cho đêm thanh tĩnh. Ánh trăng ở đây chẳng những sáng mà còn tràn ngập, chan hòa và dịu hiền ,chiếu sáng trên bầu trời, ở mặt đất và ở đầu giường., ánh trăng khiến nhà thơ ngỡ như sương phủ đầy mặt đất , vì vậy đã “ ngẩng lên” và nhìn thấy trăng sáng rọi , ngay lúc ấy, bao hoài niệm kéo về, chạnh lòng, khắc khoải đến phải “ cúi đầu “ mà nhớ quê hương, nhớ những kỷ niệm thân yêu thời trai trẻ






ĐẾN  NỖI NHỚ QUÊ HƯƠNG CỦA NGƯỜI XA XỨ ….
Có lẽ sau Tình Yêu, Quê Hương là đề tài được viết nhiều và hầu như ai cũng đọc bài thơ “ Bài học đầu cho con “ của Đỗ Trung Quân đã được phổ nhạc
“Quê hương là chùm khế ngọt…”, cứ mượt mà như vậy, khiến người đọc hình dung ra quê hương của nhà thơ quá đổi thanh bình và lý tưởng, để rồi câu kết hiện ra thật ấn tượng
“ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ ko lớn nổi thành người “
Và…có lẽ câu kết này đã tạo hiệu ứng “ bật lại” , hình thành bài thơ Quê Hương của tác giả Nguyên Lạc
Mở đầu bài thơ, Nguyên Lạc đã phản ứng “ Quê hương có gì để nhớ ?/ Mà sao nước mắt lung tròng “
Quê hương của Nguyên Lạc ko thơ mộng, Mẹ ko duyên dáng với “ chiếc nón lá nghiêng che”, mà “Thân me vai gầy. gánh khổ,Thương con. chịu nổi đắng cay”
Nỗi đắng cay ấy hiển hiện rõ khi mẹ về, rung rung hay khóc ngất, hàng ế ẩm, hay thúng rau, thau cá ,bàn cân bị quan đá văng , tịch thu đi mất , lấy gì nuôi con ?
Quê hương của Nguyên Lạc còn là sự đau đáu khí chia xa, vì bị ruồng bỏ, vì lập nghiệp nơi miền đất khác, để rồi “ Quê hương hoài mong thương nhớ/ Cô thân. lưu lạc phuơng người/ Chiều nay. nhớ dòng sông ấy/ Lục bình hoa tím hoài trôi!”

Tóm lại, quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân là quê hương lý tưởng mà bao người hằng mơ ước, nhưng cho rằng mỗi người chỉ có 1 quê hương thì ko hoàn toàn chính xác, vì có biết bao người con xa quê, phải nhận vùng đất mới làm quê hương thứ 2 nhưng ko quên được cội nguồn yêu thương thời thơ ấu
Người thành thị  luôn thèm có quê để mùa hè về tắm sông, câu cá, lội ruộng, nhưng thật lạ, mỗi khi có dip du lịch hè , trước cảnh sông núi bình yên thì nỗi nhớ phố thị cồn cào đến lạ , như Chế Lan Viên đã viết  “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn “
Yêu và nhớ lắm, quê hương ơi…

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

ĐIỀU MONG MUỐN CỦA PHỤ NỮ .

Vua Arthur trẻ tuổi của nước Anh, bị quân Pháp phục kích và bắt giữ. Lẽ ra vua nước Pháp sẽ giết ngài, nhưng vẻ trẻ trung dễ mến của Arthur đã làm cho vua Pháp cảm động. Ông hứa sẽ trả tự do cho Arthur nếu giải được câu đố cực khó. Thời hạn trả lời là một năm, nếu không giải được câu đố thì Arthur sẽ phải chết.
Câu đố là: Người phụ nữ thật sự muốn gì?
Câu đố này có lẽ đến nhà thông thái nhất thế gian cũng bó tay, nên với Arthur quả là một thử thách quá lớn, nhưng như vậy vẫn có cơ hội sống hơn là bị giết, Arthur đành chấp nhận mạo hiểm.
Khi trở về Anh Quốc, Ngài hỏi tất cả mọi người từ các công chúa, các gái mại dâm, các vị Cha xứ đến cả các quan toà, nhưng không ai đưa ra được câu trả lời hoàn hảo. Cuối cùng mọi người khuyên vua là nên đến hỏi mụ phù thuỷ già, có lẽ chỉ còn mụ ta mới có thể giải được câu đố hóc búa này.
Những ngày cuối năm cũng đã tới gần, Arthur đành đến hỏi ý kiến mụ phù thuỷ (thuở xưa phù thuỷ bị kỳ thị). Mụ ta đồng ý trả lời nhưng với điều kiện: để mụ cưới Garwain - Hiệp sĩ dũng cảm của Hội Bàn Tròn, người bạn thân nhất của nhà vua.
Arthur thất kinh. Mụ ta vừa xấu vừa bẩn thỉu, Ngài chưa từng thấy ai đáng tởm như mụ ta. Không, ngài sẽ không để bạn thân của mình phải chịu thiệt thòi như vậy.
Khi biết chuyện, Garwain nói với Arthur rằng sự hy sinh này của chàng làm sao có thể so được với huyết thống Hoàng Gia, sự tồn tại của Hội Bàn Tròn và Vương Quốc Anh. Chàng Hiệp sĩ chấp nhận cuộc hôn nhân và vua Arthur cũng nhận được câu trả lời.
Điều phụ nữ thật sự muốn đó là: "Có toàn quyền quyết định mọi việc trong cuộc sống của mình".
Ngay lập tức, ai cũng nhận ra mụ ta vừa giải được một chân lý. Quả thật Vua nước láng giềng rất hài lòng và cho Arthur khỏi án tử hình.
Nói về đám cưới của mụ phù thuỷ và chàng Hiệp sĩ. Tưởng chừng không gì có thể khiến Arthur hối hận và đau khổ hơn nữa. Tuy nhiên chàng Hiệp sĩ Garwain vẫn cư xử hết sức chừng mực và lịch sự. Mụ phù thuỷ thì trái lại, trong tiệc cưới, mụ ta làm nháo nhào mọi thứ lên. Thỉnh thoảng mụ dùng bàn tay bẩn thỉu nhón cái này một chút, bốc cái kia một tý. Mọi người hết sức kinh hãi.
Đêm tân hôn, Garwain thu hết can đảm bước vào phòng hoa chúc. Nhưng, trên giường không phải là mụ phù thuỷ già nua xấu xí mà là một cô gái đẹp tuyệt trần đang nằm đợi chàng.
Cô từ tốn giải thích, là vì chàng rất tốt với cô dưới hình dạng một mụ phù thuỷ, nên để thưởng cho chàng, cô sẽ biến thành người vợ xinh đẹp hiền hoà suốt 12 tiếng/ ngày.
Vấn đề là chàng phải lựa chọn vào ban ngày hay là ban đêm. Garwain bắt đầu cân nhắc: "Ban ngày nếu nàng xinh đẹp thì ta có thể tự hào cùng nàng đi khắp nơi, nhưng vào ban đêm làm sao mà ta chịu nổi? Ngược lại, ta đâu cần sỹ diện với bạn bè cơ chứ, cứ để nàng ta xấu xí trước mặt mọi người, khi màn đêm buông xuống, ta sẽ được tận hưởng những giây phút ngọt ngào bên thiên thần".
Garwain cuối cùng đáp rằng: "Nàng hãy tự quyết định lấy số phận của mình. Nàng muốn đẹp hay xấu lúc nào cũng được".
Câu trả lời tất nhiên làm cho phù thuỷ hài lòng và nàng cười nói rằng sẽ hóa thân thành người vợ xinh đẹp suốt đời bên chàng. Đó là phần thưởng cho đàn ông biết tôn trọng ý kiến của phụ nữ.
Cuối đời, Hiệp sĩ Garwain của chúng ta thường dặn dò con cháu: "Vợ đẹp hay xấu điều đó không quan trọng, cần lưu ý chính là từ sâu bên trong cô ta vẫn luôn là một... phù thuỷ!"

(sưu tầm )

Cổ học tinh ma : Sự tích về một nửa

Anh ạ, ngày xưa ở trên thượng giới
Ngọc Hoàng yêu tha thiết nàng Tiên
Cầm, kỳ, thi, họa nàng đều rất giỏi
Đã đẹp, lại ngoan, tính nết dịu hiền

Một hôm, Ngài ban cho Tiên vật lạ
Một quả cầu gồm hai nửa ghép nhau
Tách ra - mọi vật u sầu buồn bã
Ghép lại, lung linh đủ các sắc màu

Tiên ưa thích quá nói cười rạng rỡ
giữ kỹ bên mình chẳng dám ly thân
Nhưng một ngày,Tiên buông tay , sơ hở
Để quả cầu rơi " tọt" xuống dương trần

Mỗi nửa quả cầu rơi về hai lối
Nửa ở đồng bằng, nửa ở biển xanh
Cho đến chiều kia đất trời bão nổi
Nửa hóa thành em, nửa hóa ra anh

Nửa em - Cứ " lăn" hoài lăn miệt mãi
Kiên quyết bền lòng chẳng phút buông xuôi
Nửa anh - ở phương trời nào xa ngái ?
Biết bao giờ ta ghép lại thành đôi ?

ÔN LẠI SỬ NHÀ :PHAN THANH GIẢN

Phan Thanh Giản (1796 – 1867) là một công thần nhà Nguyễn, làm quan trải 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức từ 1826 – 1867, ông đã lần lượt kinh qua ít nhất 58 chức vụ lớn nhỏ.
Thuở hàn vi, mới 7 tuổi ông Phan Thanh Giản phải chịu cảnh mồ côi mẹ, rồi cha lại bị tù (oan), cảnh nhà vô cùng nghèo khổ, cơ cực, Ông xin được thay cha vào tù. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, viên quan đã cho ông ở gần nơi cha bị giam cầm, để vừa trau dồi kinh sử, vừa có cơ hội thăm cha mỗi ngày. Ông sống nhờ vào tình thương của bà dì ghẻ và những người hàng xóm tốt bụng. Sau đó ông thi đỗ đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa năm Bính Tuất, 1826 – vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ – được triều đình bổ dụng làm quan.
Hoạn lộ của ông Phan Thanh Giản vô cùng lận đận!, ông đã 7 lần làm cho vua giận tức,
Với tính cương trực và ý thức trách nhiệm trước nước, trước dân, PTG đã dám can ngăn vua dù bị mang hoạ vào thân. Năm 1836, ông đã can ngăn vua Minh Mạng đi tuần du Quảng Nam vì năm đó mất mùa lại đang lúc cày cấy, "hãy xin tạm đình cho dân được chuyên việc đồng ruộng" . Năm 1840, Vương Hữu Quang có tội, đình thần dựa theo ý vua, có người xin xử tội chém, có người xin xử tội lưu, ông dám xin nhà vua chỉ xử giáng 2 cấp lưu
Những năm 1843, 1849, 1852, 1853, 1859, PTG dâng sớ lên vua, nói lên thực trạng của đất nước về kinh tế, xã hội và đề xuất những chính sách nhằm "dựa vào pháp luật mà cai trị", "quan tốt mà dân yên", "chỉnh đốn thói quen của sĩ phu", ""chữa hồi bệnh đau khổ của nhân dân", "nuôi dân chăm cày cấy", "nuôi quân trù phương lược", "binh giỏi lương đủ như nguồn nước chảy mãi không hết"... Đình thần và nhà vua không ai không biết rõ bản chất con người và tính nết của ông (Phan Thanh Giản) từng được vua ban tặng tấm kim khánh với 4 chữ vàng Liêm, Bình, Cần, Cán; và do “liêm trực cẩn thận”, sau vua lại ban thêm cho tấm bi lương ngọc để tỏ lòng tin yêu, sủng ái).
Năm năm cuối đời (1862 - 1867) là giai đoạn gian truân, đầy uẩn khúc của PTG .
Khi nhà vua cử ông làm Chánh sứ sang thương thuyết với hoàng đế nước Pháp và Y Pha Nho xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, trước khi đi, vua Tự Đức ướm hỏi: “Trước kia ngươi bỏ 3 tỉnh Nam Kỳ chắc là đã có cân nhắc, vậy ngươi còn có ý gì nữa chăng?”. Phan Thanh Giản tâu: “Tôi xét kỹ thời thế, không bỏ không được, nay tôi vâng mệnh đi sứ, việc thành hay không đều tùy nước Tây, tôi chỉ biết hết lòng hết sức mà thôi”. Vua chảy nước mắt!

“Chảy nước mắt” lúc ấy, chứng tỏ nhà vua đã mặc nhận “việc thành hay không là do nước Tây”. Vậy mà sau đó khi biết rõ người Pháp tiếp tục đẩy mạnh cuộc xâm lược để bức chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, nhà vua liền khai phục và thăng bổ Phan Thanh Giản làm Hiệp biện Đại học sĩ Hộ bộ Thượng thư sung Kinh lược sứ 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (1865) để sai phái ông vào Nam đương đầu trước làn tên mũi đạn. Hơn ai hết, ông Phan Thanh Giản biết rất rõ rằng mình chỉ là “con bài hy sinh” không hơn không kém, bèn xin khước từ vua không chấp thuận. Sau đó lại xin hưu trí với lý do “vì tuổi già sức yếu không kham được việc lớn” , vua cũng không cho. Thế là phải vâng mệnh!
Tại thời điểm quân Pháp xua binh hùng tướng mạnh đến áp bức Vĩnh Long, trước tình thế nguy ngập ấy xét thấy không còn con đường nào khác là phải cứu dân, bởi việc phòng bị của triều đình từ muôn đời nay vẫn là chiến thuật, chiến lược và chiến cụ thời trung cổ, thực lực yếu xìu như cọng bún thiu, trong khi phía địch, chúng bất thần ập đến với cả ngàn quân hung hãn, đều súng to, tàu lớn, trong tư thế sẵn sàng nhả đạn bình địa tức khắc nếu có hành vi kháng cự lại. Vì vậy ông đành phải ra lịnh giao thành để, ít ra trước mắt cũng bảo toàn được xương máu nhân dân.
Và cuối cùng, để tỏ rõ lòng thành và tiết tháo, vào lúc nửa đêm ngày chủ nhật 4-8-1867 (nhằm ngày mồng 5 tháng 7 năm Đinh Mão) trước sự chứng kiến của gia đình, trong căn nhà cỏ của mình ở quê nhà Vĩnh Long (nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), ông đã hướng về phương Bắc lạy (vua) 5 lạy rồi bình tĩnh mượn chén thuốc độc tự kết liễu đời mình (giấm chua pha với thuốc phiện) sau khi đã nhịn ăn 15 ngày mà không chết.
Một thời chính sử miệt thị cụ Phan, ghép vào thành phần phản trắc. “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Đến nay những cuộc tranh luận học thuật sôi nổi đã phần nào gỡ mối oan trăm năm, người xưa cũng nhẹ lòng. Bên ngoài không gian khoa học, thấy mọi chuyện như đơn giản hơn nhiều

VĂN THÁNH MIẾU

Lục tỉnh xưa có ba văn miếu, một ở Gia Định, một ở Trấn Biên (Đồng Nai), cái còn lại ở Vĩnh Long. Văn Miếu Gia Định nay đã không còn, chỉ để lại trơ trọi địa danh Văn Thánh ở quận Bình Thạnh. Văn Miếu Trấn Biên thì còn đó mà xây lại mới tinh, không mang chút kỷ niệm nào, lại phối thờ vô duyên vài nhân vật chính trị hiện đại không liên quan, thành ra mất bề cổ kính. Chỉ có Văn Thánh Miếu Vĩnh Long còn đó đúng bài bản, trầm mặc, đơn giản mà trang nghiêm.
 Sau cổng tam quan, ấn tượng nhất trong cảnh quan Văn Thánh Miếu là hai hàng cây dầu thẳng tắp, vươn cao uy nghi. Dưới hàng cây đặt nhiều văn bia qua nhiều thời đại, trong đó có tấm bia cụ Phan tỏ lòng khi khởi sự xây cất công trình. Dưới bóng hàng cây này, nhiều thế hệ văn sĩ vào ra mà lòng nặng sự nước. Không chỉ làm nơi thờ cúng, Văn Thánh Miếu còn là nơi bàn trọng sự của trí thức địa phương.
 Công trình trung tâm là Điện Đại Thành thờ đức Vạn Thế Sư Biểu* Khổng Tử (*bậc thầy muôn đời), kèm theo Tứ phối, Thập triết. Bậc thầy đáng kính của nền học nước nhà - cụ Chu Văn An được thờ trang trọng trên nghi giữa. Hai bên có hai nhà Tả vu, hữu vu thờ thổ thần, tiền hiền hậu hiền địa phương.
 Nằm bên trái Điện Đại Thành về phía tam môn có Tụy Văn Lâu 萃文樓 (căn lầu nơi văn sĩ tụ hợp), sau đổi thành Văn Xương Các 文昌閣 (gác văn chương tốt đẹp). Đây là một công trình duyên dáng mà nhỏ gọn. Sinh thời, cụ Phan có ý xây lầu văn cho giới học các nơi tụ hội sáng tác. Sau vì ly tán, cụ mất, con cái vào bưng biền kháng Pháp, bá hộ Nọn gom góp xây cất công trình, xưa là nơi bàn bạc, nay thờ cụ Phan, cụ Võ Trường Toản và đốc học Nguyễn Thông.
 Trải qua bao nhiêu thăng trầm ly tán, công trình vẫn nguyên vẹn, trở thành nguồn cội cho những kẻ học đất Vĩnh hướng về. Lịch sử đã qua chương và giờ đây, người ta có thể đánh giá khách quan hơn về những người khởi sự xây Văn Thánh Miếu, khởi sự cho sự học quê nhà, đóng góp vào thời cuộc, dẫu thành công dẫu thất bại, dâu bể quá nhiều, nhưng lòng trinh trung đã không còn có thể nghi ngờ.




Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

TIẾT PHỤ NGÂM CỦA TRƯƠNG TỊCH

Trương Tịch tự Văn Xương, người đất Tô Châu, thi gia thời Trung Đường (766-827), đậu Tiến sĩ dưới triều vua Đức Tông. Năm 799, được Hàn Dũ tiến cử làm Quốc tử bác sĩ, cuối cùng lên đến chức Quốc tử tư nghiệp.
Ông đã viết bài Tiết Phụ Ngâm như sau

Quân tri thiếp hữu phu,
Tặng thiếp song minh châu.
Cảm quân triền miên ý,
Hệ tại hồng la nhu.
Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi,
Lương nhân chấp kích Minh Quang lý.
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt,
Sự phụ thệ nghĩ đồng sinh tử.
Hoàn quân minh châu song lệ thuỳ,
Hận bất tương phùng vị giá thì.
Cụ Trần Trong Kim dịch nghĩa
Chàng hay thiếp có chồng rồi
Còn đem cho thiếp một đôi ngọc lành.
Cảm lòng quyến luyến không đành
Thiếp đeo vào áo lót mình màu sen
Vườn kia nhà thiếp kề bên,
Lang quân chấp kích trong đền Minh Quang
Biết chàng bụng sáng như gương
Thờ chồng thề quyết đá vàng chẳng sai.
Gạt châu, trả ngọc chàng thôi,
Tiếc không gặp gỡ đương thời còn son
Đây là bài thơ tình hiếm thấy và gần như duy nhất trong kho tàng đồ sộ Đường Thi. Nội dung về tâm trạng rất đời, rất người của những giây phút xao động nhất thời của người phụ nữ đã có chồng, nhưng cuối cùng nàng vẫn giữ được tiết hạnh , ko sa ngã .
Nhưng cũng co y kiên ngược lại , như nhà nho Đỗ Xuân Cát cho rằng  
“Cô gái đã có chồng, gặp đứa xấu vẫn cứ trêu ghẹo, thì dứt khoát cự tuyệt là đúng, có gì nữa mà phải “Vấn vương những cảm mối tình” ? Đến khi vẫn nhận viên ngọc, buộc kín vào vạt áo lụa hồng, rõ là yêu thích hạt minh châu rồi vậy. Trả ngọc thì lại đưa bằng hai hàng nước mắt, thế là tiếc vậy. Hận không gặp nhau khi chưa lấy chồng, thế là hối vậy "
Như vậy cụ Đỗ đánh giá ngôn ngữ và hành động của người đàn bà trong bài thơ không thể cho là người có tiết hạnh được
Còn theo Dung trai tam bút chép rằng: khi Trương Tịch còn làm quan một trấn, nguyên soái Lý Sư Cổ ở trấn Vận hâm mộ tài năng của ông, viết thư mời ông về gíup việc cho mình. Trương Tịch không chịu đi, liền làm bài thơ thác lời người tiết phụ để từ chối.  
Văn chương tự cổ vô bằng cớ, đôi khi ta cũng ko chắc đã hiểu tường tận ý đồ cũng như cảm xúc thật của người xưa . Chỉ biết rằng Sau nhiều thế kỷ, thơ tình hiện đại có lẽ cũng chỉ đến thế là cùng

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

BẤT CHỢT..

Bất chợt nắng , bất chợt mưa
Bất chợt đỏng đảnh gió mùa heo may
Bất chợt một sáng thu gầy
Chim sâu tấu khúc gọi bầy vấn vương .
Bất chợt nhớ , bất chợt thương
Bất chợt bão lũ mảnh vườn xác xơ
Cánh chuồn bên giậu thẩn thờ
Chim sâu hốt hoảng mong chờ thiên di
Bất chợt đến , bất chợt đi
Bất chợt làm cuộc chia ly nghìn trùng
Ngày thôi mong đợi tương phùng
Đêm về có giọt sương dừng trên mi .