Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

ÔN LẠI SỬ NHÀ :PHAN THANH GIẢN

Phan Thanh Giản (1796 – 1867) là một công thần nhà Nguyễn, làm quan trải 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức từ 1826 – 1867, ông đã lần lượt kinh qua ít nhất 58 chức vụ lớn nhỏ.
Thuở hàn vi, mới 7 tuổi ông Phan Thanh Giản phải chịu cảnh mồ côi mẹ, rồi cha lại bị tù (oan), cảnh nhà vô cùng nghèo khổ, cơ cực, Ông xin được thay cha vào tù. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo, viên quan đã cho ông ở gần nơi cha bị giam cầm, để vừa trau dồi kinh sử, vừa có cơ hội thăm cha mỗi ngày. Ông sống nhờ vào tình thương của bà dì ghẻ và những người hàng xóm tốt bụng. Sau đó ông thi đỗ đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa năm Bính Tuất, 1826 – vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ – được triều đình bổ dụng làm quan.
Hoạn lộ của ông Phan Thanh Giản vô cùng lận đận!, ông đã 7 lần làm cho vua giận tức,
Với tính cương trực và ý thức trách nhiệm trước nước, trước dân, PTG đã dám can ngăn vua dù bị mang hoạ vào thân. Năm 1836, ông đã can ngăn vua Minh Mạng đi tuần du Quảng Nam vì năm đó mất mùa lại đang lúc cày cấy, "hãy xin tạm đình cho dân được chuyên việc đồng ruộng" . Năm 1840, Vương Hữu Quang có tội, đình thần dựa theo ý vua, có người xin xử tội chém, có người xin xử tội lưu, ông dám xin nhà vua chỉ xử giáng 2 cấp lưu
Những năm 1843, 1849, 1852, 1853, 1859, PTG dâng sớ lên vua, nói lên thực trạng của đất nước về kinh tế, xã hội và đề xuất những chính sách nhằm "dựa vào pháp luật mà cai trị", "quan tốt mà dân yên", "chỉnh đốn thói quen của sĩ phu", ""chữa hồi bệnh đau khổ của nhân dân", "nuôi dân chăm cày cấy", "nuôi quân trù phương lược", "binh giỏi lương đủ như nguồn nước chảy mãi không hết"... Đình thần và nhà vua không ai không biết rõ bản chất con người và tính nết của ông (Phan Thanh Giản) từng được vua ban tặng tấm kim khánh với 4 chữ vàng Liêm, Bình, Cần, Cán; và do “liêm trực cẩn thận”, sau vua lại ban thêm cho tấm bi lương ngọc để tỏ lòng tin yêu, sủng ái).
Năm năm cuối đời (1862 - 1867) là giai đoạn gian truân, đầy uẩn khúc của PTG .
Khi nhà vua cử ông làm Chánh sứ sang thương thuyết với hoàng đế nước Pháp và Y Pha Nho xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, trước khi đi, vua Tự Đức ướm hỏi: “Trước kia ngươi bỏ 3 tỉnh Nam Kỳ chắc là đã có cân nhắc, vậy ngươi còn có ý gì nữa chăng?”. Phan Thanh Giản tâu: “Tôi xét kỹ thời thế, không bỏ không được, nay tôi vâng mệnh đi sứ, việc thành hay không đều tùy nước Tây, tôi chỉ biết hết lòng hết sức mà thôi”. Vua chảy nước mắt!

“Chảy nước mắt” lúc ấy, chứng tỏ nhà vua đã mặc nhận “việc thành hay không là do nước Tây”. Vậy mà sau đó khi biết rõ người Pháp tiếp tục đẩy mạnh cuộc xâm lược để bức chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, nhà vua liền khai phục và thăng bổ Phan Thanh Giản làm Hiệp biện Đại học sĩ Hộ bộ Thượng thư sung Kinh lược sứ 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (1865) để sai phái ông vào Nam đương đầu trước làn tên mũi đạn. Hơn ai hết, ông Phan Thanh Giản biết rất rõ rằng mình chỉ là “con bài hy sinh” không hơn không kém, bèn xin khước từ vua không chấp thuận. Sau đó lại xin hưu trí với lý do “vì tuổi già sức yếu không kham được việc lớn” , vua cũng không cho. Thế là phải vâng mệnh!
Tại thời điểm quân Pháp xua binh hùng tướng mạnh đến áp bức Vĩnh Long, trước tình thế nguy ngập ấy xét thấy không còn con đường nào khác là phải cứu dân, bởi việc phòng bị của triều đình từ muôn đời nay vẫn là chiến thuật, chiến lược và chiến cụ thời trung cổ, thực lực yếu xìu như cọng bún thiu, trong khi phía địch, chúng bất thần ập đến với cả ngàn quân hung hãn, đều súng to, tàu lớn, trong tư thế sẵn sàng nhả đạn bình địa tức khắc nếu có hành vi kháng cự lại. Vì vậy ông đành phải ra lịnh giao thành để, ít ra trước mắt cũng bảo toàn được xương máu nhân dân.
Và cuối cùng, để tỏ rõ lòng thành và tiết tháo, vào lúc nửa đêm ngày chủ nhật 4-8-1867 (nhằm ngày mồng 5 tháng 7 năm Đinh Mão) trước sự chứng kiến của gia đình, trong căn nhà cỏ của mình ở quê nhà Vĩnh Long (nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), ông đã hướng về phương Bắc lạy (vua) 5 lạy rồi bình tĩnh mượn chén thuốc độc tự kết liễu đời mình (giấm chua pha với thuốc phiện) sau khi đã nhịn ăn 15 ngày mà không chết.
Một thời chính sử miệt thị cụ Phan, ghép vào thành phần phản trắc. “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Đến nay những cuộc tranh luận học thuật sôi nổi đã phần nào gỡ mối oan trăm năm, người xưa cũng nhẹ lòng. Bên ngoài không gian khoa học, thấy mọi chuyện như đơn giản hơn nhiều

VĂN THÁNH MIẾU

Lục tỉnh xưa có ba văn miếu, một ở Gia Định, một ở Trấn Biên (Đồng Nai), cái còn lại ở Vĩnh Long. Văn Miếu Gia Định nay đã không còn, chỉ để lại trơ trọi địa danh Văn Thánh ở quận Bình Thạnh. Văn Miếu Trấn Biên thì còn đó mà xây lại mới tinh, không mang chút kỷ niệm nào, lại phối thờ vô duyên vài nhân vật chính trị hiện đại không liên quan, thành ra mất bề cổ kính. Chỉ có Văn Thánh Miếu Vĩnh Long còn đó đúng bài bản, trầm mặc, đơn giản mà trang nghiêm.
 Sau cổng tam quan, ấn tượng nhất trong cảnh quan Văn Thánh Miếu là hai hàng cây dầu thẳng tắp, vươn cao uy nghi. Dưới hàng cây đặt nhiều văn bia qua nhiều thời đại, trong đó có tấm bia cụ Phan tỏ lòng khi khởi sự xây cất công trình. Dưới bóng hàng cây này, nhiều thế hệ văn sĩ vào ra mà lòng nặng sự nước. Không chỉ làm nơi thờ cúng, Văn Thánh Miếu còn là nơi bàn trọng sự của trí thức địa phương.
 Công trình trung tâm là Điện Đại Thành thờ đức Vạn Thế Sư Biểu* Khổng Tử (*bậc thầy muôn đời), kèm theo Tứ phối, Thập triết. Bậc thầy đáng kính của nền học nước nhà - cụ Chu Văn An được thờ trang trọng trên nghi giữa. Hai bên có hai nhà Tả vu, hữu vu thờ thổ thần, tiền hiền hậu hiền địa phương.
 Nằm bên trái Điện Đại Thành về phía tam môn có Tụy Văn Lâu 萃文樓 (căn lầu nơi văn sĩ tụ hợp), sau đổi thành Văn Xương Các 文昌閣 (gác văn chương tốt đẹp). Đây là một công trình duyên dáng mà nhỏ gọn. Sinh thời, cụ Phan có ý xây lầu văn cho giới học các nơi tụ hội sáng tác. Sau vì ly tán, cụ mất, con cái vào bưng biền kháng Pháp, bá hộ Nọn gom góp xây cất công trình, xưa là nơi bàn bạc, nay thờ cụ Phan, cụ Võ Trường Toản và đốc học Nguyễn Thông.
 Trải qua bao nhiêu thăng trầm ly tán, công trình vẫn nguyên vẹn, trở thành nguồn cội cho những kẻ học đất Vĩnh hướng về. Lịch sử đã qua chương và giờ đây, người ta có thể đánh giá khách quan hơn về những người khởi sự xây Văn Thánh Miếu, khởi sự cho sự học quê nhà, đóng góp vào thời cuộc, dẫu thành công dẫu thất bại, dâu bể quá nhiều, nhưng lòng trinh trung đã không còn có thể nghi ngờ.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét