Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

VÔ THƯỜNG

Vô thường vừa hợp đã tan
Vừa yêu đã ghét vừa gần đã xa
Vô thường vừa mới hôm qua
Mà nay cách biệt lệ sa tiễn người
Nhủ lòng chỉ một cuộc vui
Mà sao vẫn cứ bồi hồi, xót xa


                                                ( HS. Lê Cường )


Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

FIVE HUNDRED MILES - NĂM TRĂM DẶM .


-        -  Cuối tuần này mày đi hả ?
-          Cô hỏi bạn, câu hỏi được lập lại nhiều lần và bạn, cũng trả lời nhiều lần
-          -ừa, book vé rồi.
-          Chợt bạn vỗ mạnh vào vai cô
-          - Mày nghe gì ko, 500 dặm !
-          Cô gật gù đầu, thay câu trả lời, ừ thì 500 dặm – Five Hundred Miles- bài hát gợi kỷ niệm của cô và bạn vang từ góc quán ( nỏ biết chủ quán đặt máy nơi nào)
-          Ngày xưa, hoc sinh học 2 ngoại ngữ, lớp cô là lớp có ngoại ngữ chính là Pháp văn, Anh văn là ngoại ngữ phụ
-          GS Anh văn là thầy Lâm, trẻ, năng nổ nhiệt tình nhưng ko làm cho lớp cô cảm thấy ngôn ngữ Anh là điều đáng quan tâm đến
-          Ngay giờ đầu, thầy đã bày màn giới thiệu để biết tên từng học sinh, cô ngồi đầu bàn nhất nên giới thiệu trước
-         - Dạ thưa thầy, em tên Ngọc
-          Thầy cười niềm nở
-          - Hé lồ Ngốc
-          Lớp cười cái rầm, rồi vang cái rầm tiếp theo khi nhỏ Bích Quân giới thiệu tên, thầy lại “ Hé lồ Quần “
-          Điều này khiến nhỏ Bích Loan ngồi sau cô vô cùng bấn loạn, nhỏ sợ đến lượt nhỏ , thầy sẽ “ Hế lồ Lòn”
-          Nhưng may, điều ấy ko xảy ra ..Những giờ sau, thầy vất vả , lớp cũng vất vả, quen rồi mà những on, đơ, troa, cát, giờ lại One, two, three,..nhiều đứa cứ đọc loạn lên “ thưa thầy  one, on , đơ , three..”Đến 1 ngày, thầy hổng dạy đếm chay nữa, thầy dạy hát – Five Hundred Miles-
Lord I’m one, Lord I’m two, Lord I’m three, Lord I’m four
I’m five, hundred  miles away from home.
Cả lớp nhăn nhó khổ sở hát theo như tụng kinh, thầy liền mắng
-         - Thầy biết các em xem Anh văn là phụ vì chỉ hệ số 1nhu7ng dù yêu Việt văn, Pháp văn đến đâu thì ta cũng nên học hỏi thêm nét văn hóa hay của ngôn ngữ khác chứ, cũng như bài hát này, nhịp điêu nhanh, nhưng ý nghĩa rất sâu, người ra đi lẫn người ở lại đều nhẩm bước, 100, 200 rồi 300 dặm ..khoảng cách càng lớncũng có nghĩa biệt ly càng rõ, hát lại theo thầy nào.
-          Hổng biết cả lớp đã thấm nhuần hay vì sợ thầy mà hát rất hung hồn “ A one hundred, a two hundred..away from home !”
Mãi đến bây giờ, cô cũng chẳng hình dung 500 dặm , quy đổi hơn 800km là bao xa, nhưng  cô biết khi bước đi, khi xa rời, sự chia xa, cách biệt đã hiện hiện rõ
Nhưng vẫn ko đau khổ cho bằng biệt ly đột ngột ập đến, để 1 sáng nào đó, ta ko nhận được tin tức người, nick mãi mãi ko sáng đèn trên trang hiển thị, để 1 chiều nào đó, “ hệ thống tạm dừng” khiến ta chơi vơi, hụt hẫng, làm sao ta biết “ đíh đến” hay thời hạn hoàn chỉnh để đếm , để chờ 1 ngày, 2 ngày ..
Mà 1 ngày, 2 ngày xa “ hệ thống” đó có tương đương với 100, 200 hay 500 đặm ko nhỉ


Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA

“ Tội nghiệp thằng bé nhớ thương mãi quê nhà, giàn thiên lý đã xa, đã rời xa..”
Giai điệu da diết của bài ” Giàn thiên lý đã xa “ (lời Việt của NS Phạm Duy dịch từ bản tiếng Pháp – Chèvrefeuille Que Tu Es Loin ) thấm đẫm hồn tôi từ thuở bé. Trong suy nghĩ bấy giờ, tôi cứ cho rằng Hoa thiên lý là một kỳ hoa dị thảo mới có sức lay động hồn người như vậy.
Lớn lên, hoc Văn, tôi còn biết loài kỳ hoa dị thảo ấy cũng có ở quê nhà, hiển hiện ở những câu thơ mà tôi quên tên tác giả :
“Nhà tôi ở cuối chân đồi,
Có giàn Thiên lý, có người tôi thương”
“Nhà nàng có cái giậu thưa,
Có giàn Thiên Lý đong đưa hoa vàng .”
Cho đến môt ngày, dì Tư ở quê lên, quà quê là rổ đầy những chùm hoa be bé, xanh xanh, hương nhè nhẹ
- Bông thiên lý đó cô, xào thịt bò hay nấu canh ,ngon lắm.
Ôi mèn ơi, kỳ hoa dị thảo của tôi, cả vòm trời lãng mạn của tôi, giờ…xào thịt bò !
Bữa cơm trưa hôm ấy,má tôi múc 1 chén canh đầy cho ba
- Bông Lý chị tư đem lên, mình ăn đi, cho mát
Và “ mình” ăn thiệt, ăn hết chén, dù ngày thường “mình” rất kén ăn.
Có điều gì đó mà tôi mơ hồ cảm nhận được, sự ân cần của má, sự hài lòng , cảm động của ba, xuất phát từ những bông thiên lý mộc mạc,đời thường
Tôi yêu hoa thiên lý nhiều hơn trước, kể tù hôm ấy. Yêu đến độ thi tốt nghiệp , bên cạnh đề tài ‘ Cracking ankan” cho môn hóa, tôi đã ko do dự chọn “ Hoa thiên lý- giải phẫu hình thái và ứng dụng “, ngày ấy ko có làm luận án, chỉ thi lý thuyết và chọn đề tài thi vấn đáp
Sau khi vặn hỏi tôi quanh kiến thức ,thầy Tân đã buông 1 câu :
- Em từng ăn canh thiên lý
- Dạ chưa . ( tôi than thầm vì cái tội thiệt thà của mình)
- Em từng nấu canh thiên lý cho người thân ?
- Dạ cũng chưa (muốn khóc, tiêu thiệt rồi)
- Vậy sao em chọn đề tài này ?
- Da, vì “nó” nhắc lại kỷ niệm …
Thầy ban cho tôi nụ cười ý nhị , sự thật là vậy, dù không phải loài hoa quý, ngạt ngào sắc hương, nhưng hoa Thiên Lý gắn liền với hình ảnh quê nhà, với những người thân yêu đủ để mỗi khi nâng những chùm hoa be bé, hương nhè nhẹ, ta lại bồi hồi vì bao hoài niệm kéo về
“Tội nghiệp thằng bé nhớ thương mãi quê nhà.., giàn thiên lý đã xa tít mù khơi..”
ôi chao là nhớ, thiên lý ơi….

SAIGON ĐÃ MẤT ĐÂU RỒI

" Saigon xưa, mất đâu rồi ?"
Nghẹn ngào chị hỏi, rối bời lòng em .
......
Saigon mưa nắng đan xen
Vòng Thương Xá Tax , Eden kề gần
Brodart góc phố, dừng chân
Ngọt ly kem , ngọt tình thân gia đình .
Mênh mông mấy ngã bùng binh
Nơi này in dấu chân mình với ta
...
Saigon - em khóc ngày qua
Chỉ riêng mình chị ,lệ sa xứ người
Saigon xưa, hóa mây trời
Nương theo gió cuốn, gửi người xa quê.

EM KHÔNG SAO...

Em không sao...
Xin anh cứ yên tâm
Em đã tạo Vòm Trời Riêng tĩnh lặng
Gom vài sợi mưa, kết vòng hoa nắng
Tựa chim sâu vùi trong tổ lá đơn côi
Em không sao..
Rồi sẽ chóng quên thôi
Đừng ngoảnh lại, kẻo quỳnh hương trăn trở
Chớ nao lòng, nếu vỡ òa giọt nhớ
Bụi thôi mà, phố thị lắm người qua
Em không sao...
Làm một cuộc chia xa
Là tuyệt vọng, chẳng thể nào đổi khác
Còn bên em, khúc trầm Serenade
Tiếng Vạc sành, với bóng..cũng ổn thôi.

                                                ( Tranh của hs Tung Nguyen )

ĐIỆP VỤ BẤT KHẢ THI NÀNG LÀ AI

Con ngõ tối và yên tĩnh,ánh đèn đường soi mờ nhạt cảnh vật , trên cao, vầng trăng khuyết khẽ vén mây nhìn xuống, hài lòng với sự tĩnh lặng này.
Bỗng, từ đầu ngõ, một chiếc xe lao vụt vào, dừng lại trước ngôi nhà có ...cổng một bóng đen mặc áo khoác trùm kín đầu nhảy xuống xe, nhìn dáo dác xung quanh rồi rón rén móc từ túi áo ra, chiếc điện thoại, ánh sáng chiếu từ cái alô này vừa đủ rọi vào ổ khóa cổng, rất chuyên nghiệp, bóng đen vặn khẽ,"tách" một tiếng, cổng mở ra,lại rón rén vào nhà, lại khẽ vén màn cửa sổ, bóng đen phóng tầm mắt ra ngoài ngõ, vẫn vắng lặng như tờ, thở phào một tiếng rõ to, bóng đen bật đèn, buông rơi mình xuống cái ghế gần đấy nghe "cái bịch".
Dưới ánh sáng,bóng đen đã hiện rõ nhân dạng, đó là một phụ nữ có khuôn mặt tròn xoe, với nước da trắng như giá, mắt nâu đen như tương, môi xám xịt như miếng thịt bò chín dở, tóm lại,đó là cái nhân dạng y chang tô phở bò bỏ quên, nguội ngắt.
Ít phút sau, Nàng- giờ ta gọi bóng đen là nàng hén- nàng ngồi vào bàn, check mail ,tin nhắn, bàn tay nàng xoen xoét bấm phím, rồi ghi ghi chép chép đến khuya
.
.........
Reng...tiếng chuông báo thức lôi nàng khỏi giấc mơ hồ điệp, nàng khẽ hí mắt nhìn đồng hồ, mới 5g sáng, nàng càu nhàu rồi lại lim dim mắt..
Lại reng...nàng cáu tiết chộp lấy đồng hồ ném thật lực, tiếng rơi vỡ làm nàng hồi tỉnh, cố đếm "1,2,3 dậy nào.." mấy lần như vậy, nàng mơi lồm cồm bò dậy .
Sau đó, lại áo khoác trùm đầu, lại khẩu trang kín mít, nàng phóng nhanh ra đầu ngõ, vòng vèo qua nhiều con phố, đến một tòa nhà lớn, tần ngần, do dự ở cổng, nàng lại lướt qua rồi dừng lại ở cổng phụ
“Cộc, cộc, cộc”, sau ám hiệu khẽ, cổng mở ra, nàng lại nhanh chóng phóng xe vào, lại chỉnh đốn trang phục, đầu tóc, nàng như hóa thành con người khác, tung ta tung tăng, đi dọc hành lang..
Bỗng, nàng thất sắc dừng lại, vì một người vừa xuất hiện trong tầm mắt, mày râu nhẵn nhụi, bảnh bao, vừa di qua đi lại vừa a lô ô la, vừa dáo dác nhìn tứ phía, nàng vội vàng lung dựa tường, lùi từng bước, từng bước , đến cầu thang, nàng phóng lên thật nhanh .
Vừa chạm hành lang lầu 1, nàng thở phào, rồi lại thất sắc, vì trước mặt nàng, 1 bóng người thấp hơn, nhưng béo tốt hơn chặn nàng lại .
Nếu ta có máy nghe từ xa của ngài giám đốc CIA vừa từ chức, ta sẽ nghe rất rõ :
- Ôi, thưa cô, mừng quá, tìm cô khó quá, hí hí hí (là cười đó)
- .........
- Em và anh trưởng ban đại diện chia nhau đi lùng..à không, đi tìm cô, nhân ngày 20/11, tập thể phụ huynh lớp có chút quà mọn gửi cô, cô nhận giùm nhé, hí hí hí ( là cười nữa đó)
Đến đây, ta đã biết nàng là ai ...
Xời, tưởng gì, nàng là giáo viên chủ nhiệm lớp chất lượng cao của một ngôi trương cao chất lượng thôi mà, hí hí hí (bắt chước giọng cười phó ban đại diện)

                                                      ( Tác phẩn Đàn Bà -hs  Thach Van )

BÌNH YÊN LÀ PHÚT BÊN NGƯỜI

Con về bên Mẹ chiều nay
Hát lời ru của những ngày ấu thơ.
À ơi...chín đợi mười chờ
Tan thành bọt sóng giấc mơ sum vầy
À ơi..người vẫn quanh đây
Mà sao khoảng cách mỗi ngày một xa
....
Ngày qua, rồi lại tháng qua
Đuổi theo hạnh phúc, cứ xa...xa dần.
Đến giờ, gối mỏi, chùn chân
Mới hay có Mẹ,tri âm giữa đời
Bình an, là phút bên Người
Chải từng sợi tóc, cuối đời xác xơ.


MÙA ĐÔNG CỦA EM

Anh biết chăng mùa Đông ,
Dìu hạt mưa xuống phố.
Chú chim sâu trăn trở
Giấu mỏ, chẳng thèm bay.
Mùa Đông ở nơi đây
Không tuyết rơi trắng xóa
Gió nhẹ về, rất lạ,
Chỉ đủ làm so vai
Mùa Đông đến sáng nay
Rồi sẽ đi rất vội
Như lời yêu - định nói
Ngập ngừng, rồi lãng phai

                                                           ( Đông Qua - hs Duy Khánh )

HOÀI NIỆM CÙNG GIÓ ĐÔNG GIÓ TÂY CỦA PEARLBUCK

Tôi mê đọc sách, thể loại nào cũng đọc.
Hoài niệm thời mới lớn của tôi chính là những giây phút tung tăng vào phòng đọc sách với Ba, chọn lựa rồi ngồi đọc mê say, đến khi con gà nhảy ra từ cái đồng hồ treo tường “ Cúc..cù cu “ là tôi biết ,9g tối, dù chưa đọc xong, cũng phải gấp sách, làm dấu trang rồi rời phòng , đi ngủ.
Cuốn sách cuối cùng tôi đọc, trong căn phòng thân yêu ấy, bên người đàn ông yêu thương tôi nhất, là cuốn" East Wind West Wind "(Gió Đông gió tây) của nhà văn nữ Pearl S. Buck .
Trong trí óc non nớt của tôi lúc bấy giờ,giải Nobel văn học hay giải Pulitzer của Bà không làm tôi quan tâm bằng việc một người phương Tây như Bà mà lại có sự thông cảm sâu sắc với nhiều vấn đề xã hội đến như vậy, tất cả các tác phẩm của Bà đều thể hiện sự giao thoa của 2 nền văn hóa Đông – Tây , ngay cả từ tiêu đề
Nhân vật chính của truyện là Quế Lan, cô gái xinh đẹp sống trong bốn bức tường của lễ giáo phong kiến, cô đã được dạy những điều chỉ để làm vui lòng chồng và gia đình chồng, từ việc bó chân đến "Đàn bà con gái phải im lặng như hoa trước đàn ông con trai và phải đúng lúc và kịp thời lui vào nhà trong để che giấu những xúc động vui buồn của mình."
Trớ trêu thay, người chồng sắp cưới của Quế Lan lại là bác sĩ, có nhiều năm ở nước ngoài, nên dù cô rất cố gắng , chồng của cô “chỉ nhếch mép vài câu rồi thôi, chỉ liếc mắt thoáng nhìn tôi thôi, dù tôi có mặc áo lụa đào và giắt trâm ngọc lên mái tóc mới chải chăng nữa.”
Chỉ đến khi cô đống ý tháo lớp băng quấn chân với lời nức nở “"Không, em chỉ làm như vầy là vì mình mà thôi, em muốn thành người đàn bà tân tiến cho vừa ý mình” thì tình yêu bắt đầu đến , để rồi “Ai hiểu được mãnh lực ấy nơi một người đàn ông và một thiếu nữ? Câu chuyện bắt đầu bằng một sự tình cờ : đôi mắt gặp nhau, ánh mắt rụt rè nán lại với nhau và đột nhiên bốc lửa, trở thành trân trối, cuồng nhiệt. Bàn tay chạm vào nhau và vội vàng rụt lại, đoạn hai con tim choàng lấy nhau .Thời gian ấy tôi sống trong niềm vui tràn ngập. Lời lẽ tôi nói giờ đây là những lời lẽ tươi hồng. Ngày cuối cùng tháng một, tôi biết chắc rằng đến mùa gặt lúa, tôi sẽ hạ sanh con tôi ."
Câu chuyện còn xoay quanh các nhân vật khác, từ người anh trai chấp nhận bỏ thừa kế để yêu người phụ nữ ”ngoại quốc man di mọi rợ”, từ người mẹ kiên quyết giữ lại những thói quen tập tục cổ hủ, lỗi thời đên các bà thiếp chỉ biết tranh nhau ngôi chánh thất.
"Gió Đông gió Tây "không hẳn là tuyệt tác so với các tác phẩm khác của Pearl S Buck, nhưng tôi đọc lại rất nhiều lần, lần nào cũng vậy ,khi gấp sách lại, tôi đều nén lòng không để rơi nước mắt khi nhớ ánh nhìn vừa âu yếm vừa nghiêm khắc cuả Ba tôi những khi tôi cố nấn ná lại để xem thêm vài trang sách ,xen lẫn tâm trạng khó tả khi nhận ra đ hạnh phúc của người phụ nữ, không chỉ là tìm được người đồng cảm, mà còn là người đủ “năng lực” khiến cho phải nức nở mà rằng “ không, em chỉ làm như vầy là vì mình mà thôi “ hi..
Xin trân trọng giới thiệu "Gió Đông Gió Tây" đến các anh chị em blogtv, đọc cho đỡ buồn, để vững tin rằng, trên thế gian này, có tình yêu đủ khiến cho hai nền văn hóa hòa nhập với nhau với suy nghĩ " cứ cổ hủ mãi không chịu hòa nhập thì không phát triển được mà quá bài xích cái cũ thì làm sao mà gìn giữ được giá trị văn hóa truyền thống?"

                                                                      ( Hình trên mạng )

GÓC PHÔ

Góc phố ấy, có quán cà phê sân vườn .
Quán cà phê thỉnh thoảng thay đổi chủ, mỗi lần thay đổi chủ là có tên gọi mới: Hoa Nắng, Điểm Hẹn..và hiện tại là Nhật Nguyệt.
Không cần lấy thẻ xe, không cần menu, nó là khách quen, luôn đi một mình ,luôn là ban ngày, luôn ngồi ở một góc quán, luôn nhin quanh rồi trầm lặng , cũng như trươc mặt nó, luôn là ly sinh tố mãng cầu.
Hơn 5 phút đi từ trường đến quán, rồi vẫn thời gian ấy từ quán về trường, hơn 30 phút tĩnh lặng trong cái góc nho nhỏ quen thuộc, ngỡ như mọi xô bồ chen lấn , mọi tranh giành danh lợi đã bị gạt bỏ bên ngoài , nó như người trở về mái nhà thân yêu, quen thuộc.
Chẳng phải sao, khi Nhật Nguyệt từng là nhà, là nơi chốn thiên đường chứa đựng bao kỷ niệm của nó và gia đình.
Người chủ mới, nhận nhà nhưng không ở,họ lùi về sau, cho thuê phần lớn diện tích nhà , người thuê luôn sửa sang lại phù hợp với ý tưởng kinh doanh, khoảng sân ngày trước,trải sỏi cứ kêu lạo xạo , lạo xạo là nó biết chú Phi đưa ba nó về, bây giờ đã thiết kế lại thành tiểu đảo, có chiếc cầu nho nhỏ bắc ngang qua .
Nhiều thay đổi lắm, chỉ duy nhất, cây Chuỗi Ngọc vẫn còn , oằn mình gánh những ngọn đèn lập lòe, chớp tắt đủ màu sắc
Đến một ngày, ghé quán, nó sững sờ, Chuỗi Ngọc đâu rồi ? Nhân viên nói là chủ cho chặt đi rồi, giành chỗ để xe khách, hơn nữa hoa cứ rụng lả tả hoài, quét mệt.
Nó với tay lấy kính mát, đeo vào,chẳng ai biết cảm xúc của nó bấy giờ, trừ bàn tay nắm chặt thanh ghế, thư giãn đi, thư giãn nào, không sao đâu mà, không sao mà..
Cái liệu pháp tinh thần "No star where" có lẽ hiệu nghiệm, vì nó lại nghe thoảng bên tai giai điệu trần lắng, da diết phát ra từ chiếc đĩa nó mang theo và nhờ nhân viên mở ra mỗi khi vào quán
“ Bésame, bésame mucho..
Cette chanson d'autrefois je la chante pour toi
Bésame, bésame mucho .
Comme une histoire d'amour qui ne finirait pas .."
Uhm..thì Besame mucho..nó đã vật vã từng ngón tay trên phím đàn- mà chị Ba cứ nhiếc " như mổ cò" , để rồi những hợp âm ấy trở nên dễ dàng khi nhìn phím đàn rung động dưới bàn tay thon thả của chị Hai .
Cứ như thế, nó sống loang choạng giữa hoài niệm và thực tại, từng ngày..........
Hôm đi tảo mộ Ba, nó nói vu vơ "mấy chị, nhà cũ của mình đang sửa lại, nâng cấp gì đó.."
Chị năm " vậy hà, chị ít đi ngang lắm, sợ nhớ rồi buồn"
Chị tư quay sang " có gì mà buồn, mình dọn đi, nhà cũng theo mình luôn tới giờ mà, theo từng chi tiết nhỏ nhất"
Rồi chị đeo kính mát vào, vu vơ " nắng sáng, chói quá'
Chỉ vậy thôi, đủ cho nó ngẩn người, sao dễ dàng như vậy mà nó không nhận ra từ bao năm nay nhỉ
Góc phố ấy, có quán cà phê sân vườn, sáng nay đã vào xuân vói biểu tượng chú Gà vươn cánh đầy khí thế, không gian quán cũng khác, có cả 2 tầng, khách ngồi tầng trên có thê trông bao quát phía tiếp giáp Bắc Hải- Nam Hòa, cả 1 vùng không gian thoáng đãng. Tầng dưới ,tiểu đảo với dòng nước chảy róc rách hòa với hệ thống ánh sáng, âm thanh ( có lẽ cực mạnh vào buổi tối)
Giá mà sát bên tiểu đảo ấy, có cây Chuỗi Ngọc nhỉ, từng cánh hoa vàng ruộm sẽ rơi rơi, sẽ có..
Chậc..lại quên cái kính mát ở nhà rồi, hậu đậu hết sức

                                                                  (Hs Pham Anh )

TRUYỀN THUYẾT SAO MAI VÀ SAO HÔM

Anh ạ, ngày xưa trên Thượng giới
Ngọc Hoàng trị quốc, rất nghiêm minh
Rạch ròi thưởng phạt ai công, tội
Cuộc sống nơi đây mãi thái bình.
Hổng biết vì sao viên Thái Giám
Đem lòng tưởng nhớ một nàng Tiên
Mà nàng..chậc...chậc...anh nào biết
Đã đẹp, thêm ngoan, giống hệt em ! (hi..)
Thường xuyên gặp gỡ nơi vườn cấm
Hứa hẹn bên nhau đến bạc đầu
Ai ngờ Bắc Đẩu đi thèo lẽo
Đẩy cả duyên tình xuống vực sâu.
Xử đúng quy trình người phạm lỗi
Thành Sao, xa ngái ở hai miền
Tiếng khóc nao lòng giờ vĩnh biệt
Anh hỡi, tan rồi, mối thiên duyên !
Hai vì sao lạc về hai lối
Sao sáng ban ngày, sao tỏ đêm
Cho đến một chiều giông bão nỗi
Một hóa thành anh, một hóa em .
Chung một vòm trời, chung trăng lỡ
Mà chẳng bao giờ gặp được nhau
Anh - Em ỏ hai đầu nỗi nhớ
Biết đến khi nào thoát kiếp Sao ?

BIỆT

Anh có về nơi đây.
Đừng ngạc nhiên khi biết
Lá vàng úa trên cây
Chờ gió về tiễn biệt.
Chỉ mình em, mình em
Níu mùa xưa dần lịm
Rồi từng đêm , từng đêm
Dệt tứ thơ nấc nghẹn.
Còn lại đây dấu hài ,
In trên thềm cỏ ướt
Còn lại đây men say
Phút nồng nàn thuở trước
Anh có về nơi đây,
Đừng giả vờ ủ rủ
Làm một cuộc chia tay
Chỉ mình em, cũng đủ !

                                                             ( HS Binh Chu )

VÔ ĐỀ

Em tiễn anh về, cuối giấc Xuân
Quỳnh Huơng tỏa ngát, sắc trong ngần
Trăng đầy vội nép sau cành lá
Gọi gió cùng về, níu bước chân.
Em tiễn anh về, giấc Hạ say
Bằng Lăng khắc khoải,tím hao gầy
Vòng tay dịu khẽ, truyền hơi ấm
Dạ Khúc cung trầm, nhớ quắt quay
Em tiễn anh về, cuối giấc Thu
Heo may trở gió, dốc suơng mù
U buồn, lặng lẽ vầng trăng khuyết
Dạ Khúc , cung nào níu lãng du ?
Em tiễn anh về cuối giấc Đông
Tiễn bao thuơng nhớ tháng năm ròng
Tiễn luôn kỷ niệm nhàu theo gió
Tiễn cả tình mình, anh biết không ?

                                                          ( hs. Nguyen Anh Duong)

THẢ BÙA NỖI NHỚ

Em đâu thả bùa nỗi nhớ,
Mà Hoa Nắng cứ lung linh
Chim non trên cành dụm mỏ
Tỉ tê kể chuyện đôi mình
Em đâu thả bùa nỗi nhớ.
Mà Lan trắng cứ mong manh
Kỷ niệm nhàu bay theo gió
Lẻ loi cả tiếng Vạc Sành.
Em đâu thả bùa nỗi nhớ,
Cung trầm Dạ Khúc mãi ngân
Chơi vơi một vầng Trăng lỡ
Vọng Nguyệt Đài, chẳng dừng chân.
Trong cõi vô thường, mải miết
Vẫn giữ nhịp bước độc hành
Bao giờ vầng Trăng thôi khuyết
Để vòm trời mãi trong xanh ?

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

ĐỪNG ANH

Đừng Anh..
Cau hãy còn non ,
Lá trầu chưa thắm,Trăng còn khuyết hao.
Đừng Anh..
Con sóng lao xao
Dạt xô bãi cát, năm nào còn vương
Đừng Anh...
Trong vắt giọt sương
Bình minh vừa đến, vô thường, vội tan .
Đừng Anh..
Ở bến đò ngang
Có con sáo sậu, hoang mang, ngập ngừng
Đừng Anh..
Mới bảo Anh đừng.
Sao anh lại nỡ thẳng thừng quay lưng !

 Em ơi.
Trăng lặng đầu non..
Chiều vừa xế bóng, nắng còn hanh hao.
Em ơi.
Gió thổi xôn xao.
Như lời em hát ngot ngào tơ vương.
Em ơi.
Trong cõi vô thường.
Nhân sinh khổ ải đoạn trường nặng mang.
Em ơi.
Đời lắm trái ngang.
Sầu thêm nặng gánh dở dang duyên tình.
Em ơi.
Duyên nợ chúng mình.
Hóa công nghiệt ngã nên tình quay lưng.
(A. VVH )
 Anh ơi !
Nồng thắm, đã từng
Kiếp này phải trọn, xin đừng kiếp sau
Anh ơi !
Bạc trắng cỏ lau
Nợ duyên vấp phải , úa nhàu đành sao
Anh ơi !
Nắng vẫn hanh hao
Em sẽ gom vào, hong ấm ngày mưa
Anh ơi !
Ngõ cựu thềm xưa
Vầng trăng tròn đã chở vừa nhớ thương .

 Thôi mà !
Cau chẳng còn non
Trầu đà vàng cuống, ngày son khuyết dần.
Thôi mà…
Vùn vụt bước xuân
Dây tơ hồng, rặng cúc tần…Hoang mang
Thôi mà!
Em!
Chuyến đò ngang
“Thanh mai trúc mã”!
Đành cam !
Tội tình !
( A. NguyenvanVui)
 Thôi mà !
Cau héo vẫn xinh
Trầu vàng thối cuống, cũng mình với ta
Thôi mà !
Nguyệt chẳng đâu xa
Đủ soi Nguyệt Quế hiên nhà ngát hương
Thôi mà !
Dẫu vỡ giọt sương
Nhớ trong cõi ảo cũng thường quắt quay
Thôi mà !
Hãy ghé lại đây
Đừng như gió cuốn, bóng mây xa rời

 Rồi mai Cau lớn hết non
Trầu têm cánh Phượng trăng tròn xinh sao !
Rồi mai Liễu yểu mà đào
Lòng son ,gan sắt thương nào thêm thương
Hoa thơm bọc nhụy tròn gương
Muôn năm tạo hóa vô thường nhân gian
Rồi mai xưa bến đò ngang
Lời ngoan Sáo sậu ,Kiệu sang qua cầu
Rồi mai ...
Qua cửa bóng câu
Xa xa xanh ngát ngàn Dâu ,chân trời
(A. Lanhkhuyen)
 Rồi mai cau thắm, xanh tươi
Ai têm cánh Phượng cho vôi quyện trầu ?
Rồi mai mỏi cánh chim câu
Sắt son, cũng nước qua cầu mà thôi
Rồi mai Sáo sậu chơi vơi
Đò ngang lỡ chuyến, ru hời lỡ duyên
Yêu nhau xin cháy hết mình
Sao em lại bảo "Anh đừng" là sao ?
Tình anh như biển sóng trào
Bạc đầu sóng vẫn dạt dào ngàn năm !

Yêu nhau xin chaý hết mình"
Tàn tro lửa ảo, tội tình riêng em
Chỉ mơ dịu nhẹ bên thềm
Trăng kia là Nguyệt , từng đêm em chờ
A. Phuong Thao

                                                  ( Ven dòng-hsNgoc Tuan Nguyen )

MỘT CHÚT

Một chút ngỡ ngàng, một chút tôi .
Hoa chưa thắm sắc, đã phai rồi,
Thềm xưa chẳng kịp bừng hoa nở ,
Mặc sức rêu phong lõa thể phơi !
Một chút dại khờ, một chút tôi .
Gom mây, định kết sợi tơ trời ,
Mơ hoang gói gió về chung lối,
Sặc sụa mưa về, cuốn sạch trôi .
Một chút cam lòng, một chút tôi.
Ân tình, giọt cuối vỡ tan rồi
Nên chăng " điểm phấn tô son lại,
Ngạo với nhân gian một nụ cười " ?***

                                             ( hs. Hiếu Kiều - Ngõ cựu thếm xưa )

ĐẮNG

" Vì Trăng là của ngân hà ,
Vì em là vợ người ta mất rồi "
Từ ngày giông bão đất trời
Ẩn mây, Trăng quyết quên lời hẹn xưa
Cánh chuồn vội bỏ giậu thưa
Lối về quên buổi nắng mưa mặc lòng
Đành thôi sáo sậu qua sông !
Đành thôi duyên phận lưu vong não nề!
Đôi lần hoang hoải cơn mê
Bóng câu ẩn, hiện, đi, về trong mơ
Để rồi duyên cũ - tình cờ
Để rồi phận cũ - chực chờ cách ngăn
Đùn nhau sai trái bao phần
Đành thôi lỗi ở trăm lần do ta !
Ừ thì
Trăng !
Cùa Ngân Hà
Ừ thì
Em !
Vợ người ta !

CHẠM KHẼ

Chạm khẽ ngày xưa : Chạm nhớ thương!
Hàng cây tỏa bóng mát ven đường,
Hiên nhà ngằn ngặt hương hoa Sứ
Áo trăng sân trường, quấn quýt vương.
Chạm khẽ tình xưa : Chạm nỗi đau !
Ơ hay , cứ ngỡ đã phai nhàu
Thềm xưa khắc khoải vầng trăng khuyết
Ngõ cựu hoang tàn, trắng cỏ lau.
Chạm khẽ thơ người : Chạm nỗi tôi,
Dòng sông ảo - thât cứ lở bồi
Thơ ư ? Mãi mãi là thơ nhé
Chạm khẽ thôi mà, nên khẽ thôi .

                                                       (hs. Son Phan Hong)

TÌNH NHÂN HỠI

Tình nhân hỡi ,
Người có nghe em gọi ?
Trong đêm hoang, vắng lặng nhịp sống đời
Về bên em
Cho bỏng rát đôi môi
Cho nồng ấm
Gió bên ngoài lạnh giá .
Tình nhân hỡi ,
Cành khô đà rụng lá
Cõi địa đàng
Xin người ngự trên cao .
Ban hồng ân,
Tang thương hóa ngọt ngào
Mặc bão lũ, oan sai,Phận cỏ hèn chịu khổ
Tình nhân hỡi ..
Mảnh thềm xưa còn đó
Vẫn Trăng, gió lượn lờ, vồ vập trên cao
Hổn hên ngoại tình
Hay hợp pháp bên nhau
Thì cũng chỉ cơn mặn nồng ngất lịm
Tình nhân hỡi
Chờ nhau từ tiền kiếp
Đã gặp rồi, xin đừng lướt qua nhau
Đừng ngoảnh đi
Giữa buốt giá đêm thâu
Tình nhân hỡi
Người có nghe em gọi ?

                                       ( Trăng non - hs. Nguyen Ch Nguyen)

CHUỖI NGỌC HIÊN NHÀ MÃI THẮM TƯƠI

-Ba à, sao mấy chị được đặt tên là các loài chim quý, con lại không ?
- Tên mấy chị con là do bà nội đặt, còn tên con, là Ba .Tại Ba thích hoa Chuỗi Ngọc. Con có nhìn thấy ko, Chuỗi Ngọc rất mỏng manh, nhưng hình thành từ cây vững chắc, luôn rực 1 màu vàng thắm, ngay cả khi lìa cành, hoa ko theo gió bay xa mà phủ quanh gốc cây, sân nhà, làm cho sân nhà luôn rực sáng.
Nó nhớ lời Ba nói như vậy và như 1 định mệnh, các chị - Phi Oanh, Phi Yến…như loài chim quý, bay đi tận phương trời, chỉ còn nó .
13 tuổi,nó đã thành chỗ dựa cho má, phụ má làm muối sả, tương khô, mắm ruốc..gửi thăm nuôi Ba, thay má gửi thư động viên chị Tư cố gắng dạy ở Cà Mau , kê khai nhân khẩu ,nhận tem phiếu …và chia sẻ cùng má những hạch sách thiếu tình người.
Má yếu lòng , tính theo chủ trương kinh tế mới, vậy là phải bỏ học, nó xin má đừng đi, nó sẽ tự lo , sẽ tìm cách phụ má
Nó nhận thêu gia công,cơ sở nọ cắt vải thành từng mẫu vuông, 10 miếng / xấp, vẽ hình chim bướm hoa lá ở 1 góc, nó nhận về , thêu chỉ màu, viền line, may là ngày trước,nữ sinh có
học nữ công may vá thêu thùa .
Làm đến ốm người, kiệt sức, đầu ngón tay giữa của bàn tay trái bị kim châm đau điếng, rồi dần dà chai cứng , với cuốn tập kế bên, mắt liếc nhìn 1 dòng chữ, quay ra thêu, rồi lại tiếp dòng chữ khác, rồi lại thêu..vậy mà thuộc bài, vậy mà cũng giải xong bài toán khó
Cứ như vậy, đường kim mũi chỉ nuôi con chữ, cho hủ muối sả, mắm ruốc gửi thăm ba có thêm miếng thịt con con .
Nhà chủ cơ sở may thêu gốc Huế, có đứa con gái trạc bằng tuổi nó, tên hay gọi là Chảy,ỷ thế con chủ, Chảy hay giờ trò bắt bẻ nó, khi thì phải chờ thiệt lâu mới nhận được hàng về may, khi thì chê õng chê eo, hôm nay thêu xấu quá…
Một đêm, nó ngồi thêu vội, còn vài cái khăn nữa , còn vài bài Sử nữa, mai kiểm tra rồi, sơ suất nó làm lăn cây viết máy, chụp lại và kéo theo thảm họa, cả hủ mực đổ nhào vào cái khăn
Nó trùm mền khóc cả đêm, cũng may là chị năm được trường phân công đi đánh tư sản nên đêm đó ko ngủ ở nhà .
Trưa. Tan học, nó đi giao khăn, con Chảy ko đếm , thảy sang 1 bên, nó níu lại
- Có chín cái thôi
- Còn 1 cái đâu, sao ko thêu cho hết rồi giao, cho đủ 1 lô , cho tui dễ sắp xếp
Nó khổ sở nói lý do, con Chảy được nước la om sòm
Bà chủ - mẹ con Chảy - đi tới, những người phụ nữ gốc Huế có nét gì đó nghiêm trang, nhưng thanh cao, đài các, bà chủ cũng vậy
Khi biết chuyện, bà la con Chảy , mày giỏi cái mồm, giỏi thì vừa học vừa làm như người ta, rồi bà kêu nó về đi, từ ngày mai khỏi qua lấy hàng , để con Chảy đem đến, cho khỏi tốn thời gian, để có thêm giờ giấc học bài. Không những vậy, sau ngày đó, tiền công thêu may cũng được tăng gấp rưỡi
Và con Chảy, vẫn hay càu nhàu , nhưng phải công nhận “ mày lù khù vác lu mà chạy, làm gì mà bả mê mày dữ vậy”
15 tuổi , nó được tuyển thẳng vào lớp 10, ban A, ban Ngữ Văn, số phiếu bình bầu cán bộ lớp của nó cao nhất, kế đến là nhỏ Vân, tất nhiên nó làm lớp trưởng, Vân làm lớp phó học tập, nhưng sau đó, nhỏ cứ ỉ ôi xin đổi vai , nó dễ dãi “ Bồ đi nói với cô đi, tui sao cũng được”
Trong 1 lần học giáo dục quốc phòng ( gọi là học cho có học, chứ toàn là đi đều bước, rồi tháo ráp súng, ném lựu đạn giả- vụ làm lựu đạn giả này làm nó nghĩ nát óc, sau cũng ra, nó lấy cái chày giã tỏi ớt của má, “ chặt” 1 đầu, bỏ đi, phần còn lại cũng ra dáng lựu đạn lắm .
Giải lao, thầy cho văn nghê tự do, thầy hát mở đầu , giọng thầy rất ấm “ Dù đạn bom man rợ thét gào, dù thân thể triền miên mang đầy thương tich, dù cho cách trở hai đường chiến dịch ta vẫn còn cùng nhau 1 ánh trăng rằm “
Rồi luân phiên các lớp, cứ đại diện lớp trước hát xong thì có quyền chỉ định người kế tiếp, nó bị dính , ôm mặt trốn nhưng ko thoát, đành lên hát như mèo kêu , bài Tình Ca Vũng Tàu “ Chiều chiều em đạp xe, thả dốc dài bến Đá ‘ hội trường cũng im im nghe, nhưng khi nó gào đến câu “ Thương anh thương vô cùng, thương anh thương vô cùng “ là bên dưới như có loạn , vỗ tay, huýt sáo, la ó..
Sau đó, nó mới hiểu , bên lớp C1, lớp trưởng kiêm bí thư Đoàn trường tên Thương .
Thương – dĩ nhiên là con trai- da trắng, ốm, đẹp và lạnh như 1 pho tượng, là thần tượng của nhiều nữ sinh trong trường, mà theo nó, thần tượng chả là gì, chỉ là pho tượng do người dựng lên rồi tôn làm thần, nên mặc mọi người ghép đôi, trêu ghẹo, thần tượng có vẻ nao núng,còn nó tỉnh bơ, khi thì nHận vài viên ô mai, khi thì cái trâm kẹp tóc có khắc chữ N , phần nó, cắt vải, viền khăn, thêu đôi chim hót líu lo thiệt đẹp tặng trả lễ.
Cho đến 1 ngày, trong văn phòng Đoàn, nó ngồi nhìn ra cửa sổ, Thương – thần tượng- đi qua đi lại
-Bạn biết ko, mình suy nghĩ nhiều lắm, mất ăn mất ngủ..-Rồi đột nhiên, đứng phắt lại- mình mến bạn, hơn tình bạn bình thường – rồi đi qua đi lại tiếp- nhưng người ta nói “ mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng”, lý lịch của bạn, mình nghiên cứu rất kỹ, mình và bạn là 2 dòng khó thể dung hòa – rồi lại đứng phắt ngay trước mặt nó – bạn nghĩ sao ?
Nó chỉ cười, tưởng gì, làm hết hồn
-Anh Thương à, em nghi khi thấy quan trọng, người ta sẽ tìm cách, khi hết quan trọng, người ta sẽ tìm lý do .
Thần tượng hơi ngớ ra, Nó lách mình ra cửa, sân trường thật nắng, hang cây Phương thật xanh, phút chốc nó thấy hụt hẫng, thấy trơ trọi , cái cảm giác hoang vắng lúc ấy thật ghê sợ
Nhưng cùng lúc đó, cây hoa Chuỗi Ngọc cùng lời nói của Ba hiện về trong tâm trí, dù thế nào, những cánh hoa mỏng manh kia vẫn luôn tươi thắm, thắm cho hoa và tươi sáng cho sân nhà..

ĐẬU TƯƠNG TƯ

Giảng đường Khoa Hóa Sinh, đầu giờ học …
Cô – cũng như các bạn, uể oải giở tập- phân môn Phân Loại Thực Vật thiệt là khó nuốt ! May là Thầy hay nói chuyện bên lề nên cũng đỡ ngán , như khi giới thiệu sách cho sinh viên mua, Thầy cẩn thận nói “ở trang bìa ghi tên 2 tác giả , trong dó tên của tôi ghi đầu tiên, tôi có nhường GS ấy nhưng người ko chịu.”
“ Người lớn thiệt là phiền phức .”- Cô nghe nhỏ Tuyết thầm thì ..
Hôm nay, thầy dạy về chi Abrus precatorius , họ đậu, còn gọi là cam thảo dây, 1 số nơi gọi là Tuong Tư, dùng làm trang sức,dược liệu, làm bộ gõ nhạc cụ dù mang độc tính rất lớn
Cũng như mọi lần, thầy cho biết hạt Tương Tư là đề tài cho Thi Phật Vương Duy viết bài thơ sau
Hồng đậu sinh nam quốc,
Xuân lai phát kỷ chi.
Nguyện quân đa thái hiệt,
Thử vật tối tương ti (tư)
Cô ko dừng được bèn giơ tay hỏi “ Thưa thầy, sao lại gọi là Tương Tư ?”
Thầy nói theo giải phẫu và hình thái thì hạt đậu đỏ cứng , vỏ đỏ tươi, hình dạng trái tim , khó bị sâu rầy phá hủy , đặc biệt là hạt đỏ từ bên trong ra ngoài và trong ruột có một chấm màu đỏ hình trái tim,có câu "tâm tâm tương ấn", có nghĩa là hai trái tim cùng in lên nhau, là nói về hạt tương tư này đó
Nghỉ giải lao, cô đang loay hoay thì nghe tiếng nói “ Bạn ghi kịp bài ko vậy, cho mình mượn “
Cô quay sang, đó là Thành, bạn này hiền, ít nói, nhà ở tận Hóc Môn, ngày 2 chuyến xe buýt đi về, nhưng học rất chăm,
Cô hơi lung túng, vì cô viết bài theo kiểu tốc ký học lóm từ Ba của cô, nên chỉ mình cô đọc được, nhưng từ chối cũng kỳ ..
Sáng hôm sau, Thành gủi trả cuốn tập kèm theo hộp giấy nhỏ, cô mở ra, ồ..13 hạt đậu…đỏ nấu chè, nấu xôi cùng mẫu giấy
Đậu này mọc ở nước ta
Cũng là họ đậu, một nhà tương tư
Cô mĩm cười , khẽ quay xuống , cuối lớp, Thành cũng mĩm cười .
Cũng có chút xíu bâng khuâng, đủ để mỗi khi ai nói về Thi Phật hay cầm trên tay gói xôi đậu, cô lại chạnh nhớ, Tương Tư ơi..( hổng dám gọi Thành ơi..hi )

RAU RĂM NGẮT NGỌN LẠI TRỒNG

Từ thuở nhỏ, tui đã thích đọc sách mà tác giả là nữ hay viết về phụ nữ ,từ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan đến Nhã Ca, Lệ Hằng cả Francoise Sagan , Pearl Puck và ..Kim Dung ( hồi nhỏ cứ nghĩ Kim Dung là nữ , hic..)
Từ đó, phát hiện ra điều mà theo các nhà xã hội học là đáng phê bình, đó là bên cạnh những gương phụ nữ chuẩn mực, đoan trang , còn có những người sống thật với bản năng , dám nghĩ và dám nói ra điều mình suy nghĩ
Người phụ nữ ấy, sau khi hợp thưc hóa bằng 1 lễ cưới để được đồng sàng cùng người yêu , rồi sinh con , rồi phát hiện ra rằng
Lấy chồng em rất lãi / Ai cũng bảo đô con / Thêm cặp mướp héo hon/ Biết khi nào sẽ rụng?/ Lãi nhất là mỡ bụng/ Cho không chẳng ai them / Da chằng chịt mũi tên/ Chẳng tốn tiền trang trí / Em lãi hơn mười kí / So với thuở chưa chồng / Gương lược để chơi không / Chẳng mấy khi dùng đến / Lãi nhiều không kịp đếm / Là những giọt lệ tuôn / Nhiều đêm em tự hỏi / Chẳng lỗ sao vẫn buồn?
(đọc trên mạng)
Ngoại hình thay đổi, cơm áo gạo tiền càng khiến cho 2 người lâm vào cảnh đồng sàng dị mộng, từ đó vu vơ mơ tưởng,dẫn đến ngoài chồng ngoài vợ vớI 1 hình bóng khác
Hai tay cầm hai quả hồng
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai.
Đêm nằm vuốt bụng thở dài,
Thương chồng thì ít thương trai thì nhiều ( Ca dao )
Thậm chí còn cam chịu 1 sự thua thiệt :
Rau răm ngắt ngọn lại trồng
Em thương anh lắm sợ lòng chị ghen.
Anh về bảo chị đừng ghen,
Để em thấp thoáng ánh đèn cho vui.( ca dao luôn )
Đọc mà thương đên đứt ruột ! Chấp nhận chỉ là “thấp thoáng” bên lề hạnh phúc người khác, nhưng ai cấm người phụ nữ ấy ước mơ
Vùi vào tóc anh
Chạm rong rêu đại dương , ẩm mục rừng già
ngai ngái phù sa cánh đồng rơm rạ
Chạm sợi đa đoan , nhuộm màu dâu bể
Chạm sợi muộn phiền
ẩn mình lặng lẽ
Vùi vào môi anh
Chạm thềm mê man, chạm bờ mộng mị
Chạm lời chối bỏ trong lời thầm thì
Dâng bời bời nhớ
Chạm bời bời quên
( Chạm của Đậu Thị Thương )
Sự khao khát tìm người đồng cảm, tìm tri kỷ đã khiến người phụ nữ “ cởi bỏ” chiếc áo bào giá trị để mà rao bán trái tim mình
một ngày
mõi mòn trong ảo vọng
em sẽ đem bán đi trái tim mình
không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!
chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!
một chút tình
cho bớt chông chênh...
( Trái tim rao bán của Đinh Thị Thu Vân)
Và họ làm ta ngơ ngác hơn, chấp nhận cả tình cảm ko định hình với người từ hành tinh khác
Sau ba năm chung thủy
Với người chồng đi xa
Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ
Với người đàn ông xấu xí ,Già hơn chị rất nhiều
Trong một buổi chiều bão tố
Khi chúng tôi đến đó
Người đàn ông đã đi rồi
Chỉ còn lại trên đồng lúa
Vết xước của dĩa bay mà thôi
( đọc trên mạng )
Qua đó, ta thấy phụ nữ được cho là phái yếu nhưng họ ko hề yếu nhất là về phương diện dám cởi bỏ xiếng xích lễ giáo để được là chính mình .Họ là những người bản lĩnh, mà đã bản lĩnh như vậy, chắc chắn rằng họ ko vì cô đơn mà dễ dãi nắm vội bất kỳ bàn tay nào chìa ra , họ đủ bản lĩnh để nói “không ‘ trong những trường hợp cần phải nói
( Vu vơ cho đỡ trống nhà,chứ ko hẳn là cổ súy đâu ạ, anh chị em, bạn hữu có đọc, xin giải thích giùm “ Rau răm ngắt ngọn lại trồng “ mang ý nghĩa gì trong bài ca dao trên, nghĩ hoài hổng ra )

VIỆT NAM ! VIỆT NAM NGHE TỪ VÀO ĐỜI

Em – người Việt Nam, thích coi đá banh nhưng quan niệm thắng thua là lẽ thường, đôi khi niềm vui của ngườ này lại là nỗi buồn của người khác
Anh- người Việt xa quê hương đã lâu, nghĩ về VN và bọn em đều theo hướng xấu , nào là ham tiền tài vật chất, nào là lừa đảo gian tham , trộm cắp..
Em chỉ biết chống chế - anh đừng dựa vào báo lá cải, họ phải đăng tin như vậy để câu view, VN của em- em nhấn mạnh từ “ của em” - không xấu giống suy nghĩ của mấy người nước ngoài như anh đâu – em nhấn mạnh “người nước ngoài như anh”-
Vậy thôi, đủ cho anh biết là em dỗi ,em buồn.
Hôm qua, xung quanh em đều bùng nổ thật sự, rợp trời cờ bay cùng vang vọng hai tiếng “ Việt Nam, Việt Nam”
Và em, cũng như mọi người trào dâng cảm xúc, nhưng cảm xúc của em mang tên gọị khác,  đã góp phần làm nhòe bớt đi hình tượng xấu của người VN, Những biểu hiện ham mê vật chất ,vô liêm sĩ chỉ là cá thể lỗi
Mắt em cũng nhòe đi như mọi người, dù em quan niệm thắng thua là lẽ thường
Đơn giản thôi, em là người Việt Nam , anh à

BIÊN GIỚI Ở LÒNG NGƯỜI

Ngày trước, tui có đọc bài viết ở conggiao.com, đại khái là trái đất mênh mông là của chung muôn loài sinh vật, nhưng vì nhiều lý do, con người đã dựng rào chắn để sở hữu riêng tư, cho nên cùng loại cỏ xanh ấy, cùng đất đai ấy mà chỉ bước qua lằn ranh giới là đã có sự lệ thuộc khác rồi.
Trộm nghĩ,nào có phải chỉ cây cỏ, đất đai, mà cũng áng mây xanh ấy, cũng vòm trời ấy, cũng dòng nước biển xanh thẳm ấy, người ta cũng dựng lên biên giới vô hình gọi là không phận , hải phận .
Điển hình là cầu Cốc Lếu bắt qua sông Nậm Thi. Ngay chính tại đây, sông Nậm Thi đổ vào sông Hồng, tạo thành ngã 3 sông, cầu ngăn cách Lào Cai ( VN) và Hà Khẩu (Trung Quốc)
Có 1 bài hát về chiếc cầu biên giới này của nhạc sĩ Phạm Duy , lời bài hát như sau :
Ngừng đây soi bóng bên giòng nước lũ / Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu/ Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời/ Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa / Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ/ Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa/ Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa/ Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ/ Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi/ Nắng (ư) ngừng bên chiếc cầu biên giới/ Xa xa thoáng đàn trầm vô tư/ Đâu đây dáng huyền đền duyên mơ/ Bên cầu biên giới/Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi/ Sông nước xa xôi,/Mây núi khắp nơi/Không tỏ một đôi lời ...
Ôi giấc mơ qua/Mộng đời phiêu lãng giang hồ/Sống trong lòng người đẹp Tô Châu/Hay là chết bên bờ sông Da – nube/Những đêm sáng sao
Nhưng đường quá xa vời/Hương trời vẫn mê mài/Lòng tôi sao vẫn còn biên giới!/Lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây/Ôi dòng tóc êm đềm!/Ôi bể mắt đắm chìm!/Đời phong sương cũ, chỉ là thương nhớ
Mộng bền năm xưa
Chỉ là mơ qua
Khởi đầu bài hát,người nghe cảm nhận được tâm trạng của người trai trẻ, dừng chân tại chiếc cầu biên giới rồi hoài niệm kéo về, cảnh làng quê tang thương vì chiến tranh, “ dáng huyền’ của người con gái năm nào và cả ước mơ phiêu du khắp nơi , cứ ngỡ chỉ có vậy
Nhưng thật bất ngờ, khi lặng nhìn dòng nước trôi qua ( mà đã được thay bằng từ “ dòng đời”),tác giả lại ngậm ngùi vì thời gian trôi nhưng những ước mơ, hy vọng đều ở lại
Nguyên nhân từ đâu, có phải vì “ đời tôi sao vẫn còn biên giới’, có phải chính biên giới ấy làm cho “ nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới”, ngậm ngùi quá,phải ko ạ, biên giới định hình làm ngay cả tia nắng vô tư mang sự ấm áp đến cho loài người phải e dè, lo lắng, chẳng biết phải bộc lộ, ban phát phía nào .
Con người có những biên giới “bẩm sinh” như biên giới của tuổi thọ, của trí thông minh, bên cạnh đó, còn có biên giới “nhân tạo” như biên giới giữa thắng cuộc và thua cuộc, giữa giàu và nghèo,giữa lòng tự trọng và vô liêm sỉ…. Để rồi người không đến được với nhau, vì giữa người này với người khác đã có những cách ngăn của biên giới. Dựng biên giới trên đất liền, trên không trung, ngoài biển khơi, và dựng biên giới trong lòng người, giữa người với người, hai hành động ấy cũng đâu có khác gì nhau.( conggiao.cm)
Cũng như nhạc sĩ Phạm Duy “ tôi ko duy tâm, ko duy vật, tôi là Duy Cẩn –ns chơi chữ đó ạ, Duy Cẩn là tên của người-tôi tiểu tư sản làm sao thành vô sản được” Chính vì biên giới giai cấp này đã khiến ns rời bỏ con đường mà Đảng vạch ra cho mình
Biên giới ấy, có thể hữu hình như vòng kẽm gai, chốt biên phòng, có thể vô định hình nhưng đều mang ý nghĩa phân chia, cách biệt, “lim” – giới hạn-ko thể nào phá bỏ khi người cố tình dựng lên, để muôn đời người phải đau xót mà chấp nhận “, chỉ là thương nhớ/ Mộng bền năm xưa/ Chỉ là mơ qua “
Buồn..

RU TA NGẬM NGÙI


Một phóng viên đã hỏi Trịnh “ Tác phẩm của ông đa phần là “ Ru” – Ru Tình, Ru Ta Ngậm Ngùi, Ru Đời Đi Nhé, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng..có phải vì ông thường ru phụ nữ ?
Trịnh : Không, tôi ru tôi đó, những khi yên tĩnh, tôi thường soi rọi, tự ru chính mình .
Theo giáo lý nhà Phật mỗi cá thể đều mang Cái Tôi và Cái Ta ,có phải Trịnh đã hiểu rõ điều này và viết những lời ru mà điển hình là nhạc phẩm “ Ru Ta Ngậm Ngùi “ ?
Mở đầu bài hát là ca từ :
Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình.
Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên.
Thời tuổi trẻ, Ta hồn nhiên, trong sáng, môi hồn nhiên thơm, tóc hồn nhiên xanh , tim tràn đầy ý niệm yêu thương và muốn “ phơi” bày tình yêu đó ,thể hiện tình yêu đó , nhưng cũng là lúc cái Tôi bồng bột, xốc nổi, đầy tham vọng muốn khẳng định mình muốn “ rêu rao “cho mọi người đều biết đến
Và Trịnh viết tiếp :
Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa đông, tay rong rêu muộn màng.
Thôi chờ những rạng đông..
Vì sao “tim lăn trên đường mòn”, đường mòn chính là con đường in nhiều dấu vết qua lại, tim lăn trên đường mòn ấy có phải là đã chịu nhiều tổn thương, chai sạn vì những dấu vết của danh lợi, sân si, đố kỵ , 1 con đường ko chỉ có mồ hôi, nước mắt mà còn đánh đổi cả hạnh phúc, yêu thương đến nỗi vắng bặt tiếng chim, tất cả chỉ là mùa đông rét mướt, ảm đạm và đành nuôi hy vọng “Thôi chờ những rạng đông..”
Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình.
Giữa tường trắng lặng câm.
Sau những cố gắng, gồng mình “ lăn trên đường mòn”, Ta trở về, đối diện với chính mình, cô đơn, hoang vắng, như ‘đồng lúa gặt xong’ chỉ còn trơ lại rơm rạ, Ta đã vắt kiệt sức mình đổi lấy hào quang tôn vinh giả tạo, để còn trơ lại nỗi ngậm ngùi cay đắng, ?
Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn, không còn ai, ta trôi trong cuộc đời
Không chờ, không chờ ai
“ Có đường phố nào vui “, “Có sợi tóc nào bay”, đó là ta mơ ước, ta tự vấn hay Ta đã ngộ ra cả 1 thời gian dài , Ta bị dòng đời cuốn trôi, Ta sống “lềnh bềnh” giữa dòng, cố ko để bị sóng nhấn chìm nhưng cũng chẳng thể nào ngoi lên để là chính mình, ta sống 1 kiếp sống vật vờ theo ý muốn người khác hay của Cái Tôi sai khiến
Cuối cùng, đành ngậm ngùi
Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đờị
Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi,
Xin ngủ dưới vòm cây ...
Ta đã xua đi Cái Tôi đang hiện hữu “ Em về hãy về đi “, về với dạnh vọng phù vân đi, để mặc Ta phiêu du quãng đời còn lại, Ta trần trụi bước vào thế giới loài người , Ta lớn lên từ vòng nôi, từ lời ru thì giờ đây, Ta muốn ngủ yên trong vòng nôi ấy, lời ru ấy, khác chăng đó là lời ru của chính Ta, đầy ngậm ngùi quyện cùng hương trầm “ thắp nốt “
Rất nhiều ý kiến cho rằng Trịnh là bậc phù thủy từ ngữ, nhưng theo tui, Trịnh còn là bậc thầy đặt bẫy, chúng ta lắng nghe giai điệu, nghe ca từ, chúng ta tôn vinh Trịnh đau đáu với nỗi niềm đất nước con người, đúng, nhưng ko phải là tất cả ,có vài sáng tác xen lẫn nỗi niềm ấy với sự việc rất đổi phàm tục, đới thường
Như “ Cúi xuống thật gần “ chẳng hạn

Và , mặc ai suy diễn, mặc ai phê phán, Trịnh vẫn điềm nhiên thốt “ Thôi kệ” , tất cả “ để gió cuốn trôi

SAIGON NẮNG ĐỔ

Saigon nắng đổ, chim nép vào đâu ?
Chấp chới cánh bay, tìm nơi râm mát.
Lạc giọng gọi bầy, mắt tròn xoe, ngơ ngác
Thiên di Xuân-hè, xót chim sáo, chim sâu !
Saigon Hạ đến, Ve biết tìm đâu ?
Chốn bình yên, kéo vĩ cầm tha thiết
Nhánh cây xanh, sao không lời tiễn biệt ?
Khúc hoan ca ngày nào, thành ký ức chìm sâu !
Saigon nắng đổ, người nép vào đâu ?
Con đường xưa, giờ thênh thang sa mạc
Bước chông chênh - ta - người lữ hành khô khát
Nắng chói lòa , làm nhòa ướt hàng mi.
Saigon nắng đổ, thôi , tiếc làm chi !

SAIGON VÀO XUÂN

Saigon đang vào Xuân ,
Xanh biếc chậu Cúc tần .
Vàng tươi Mai Bến Lức
Hồng thắm đào Nhật Tân.
Saigon Xuân người đông,
Xe nối nhau rắn rồng
Phố thị đèn nhấp nháy
Siệu thị vắng? Đừng mong !
Saigon Xuân sáng nay
Nỗi nhớ lại dâng dầy
Nghe lòng sao hoang vắng
Xa quá...một vòng tay !